Những thổ dân Úc cho rằng tình cảnh cả đất nước đang chìm trong thảm họa cháy rừng chính là cái giá phải trả cho việc những kinh nghiệm của họ trong việc quản lý hệ sinh thái của châu lục có người ở khô hạn nhất trên trái đất bị phớt lờ.
Đến thời điểm hiện tại, các đám cháy rừng đã thiêu rụi tổng cộng hơn 6 triệu mẫu Anh – một diện tích rộng bằng Massachusetts, tạo ra những đám khói bụi bao trùm Sydney và nhiều thành phố khác. Với tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng đồng nghĩa thảm họa khó có thể chấm dứt trong ngắn hạn, Victor Steffensen - một chuyên gia về môi trường và những phong tục truyền thống của thổ dân Úc – kêu gọi nước Úc cần phải thay đổi hoàn toàn cách quản lý đất đai.
Thông thường, người Úc phòng cháy bằng cách sử dụng những đám cháy có kiểm soát được thổi lên trong những tháng mùa đông lạnh hơn, với mục tiêu ưu tiêu hàng đầu là bảo vệ những vùng đất bao quanh các khu có đông dân cư sinh sống.
Tuy nhiên, năm nay cách thức phòng cháy này đã trở thành sai lầm chết người vì mùa cháy rừng bắt đầu quá sớm và quá hung hãn do điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Hàng chục đám cháy – thường bị thổi bùng lên vì sấm sét – nhanh chóng rơi vào tình trạng mất kiểm soát và tồi tệ hơn là chúng thường nằm ở những vùng sâu xa mà lính cứu hỏa rất khó tiếp cận.
6 người Úc đã thiệt mạng và hơn 2.000 con koala đã chết chỉ riêng ở bang New South Wales, làm dấy lên nỗi lo ngại rằng loài động vật này sẽ nhanh chóng bị đẩy đến cảnh tuyệt chủng.
Thổ dân Úc thực hiện những đám cháy có kiểm soát, được tạo ra một cách từ từ và thường là vào ban đêm, được thiết kế để giảm thiểu số lượng các vật dễ cháy như các bụi cây và những cành cây khô rơi xuống bề mặt rừng, sau đó dần dần tăng diện tích bằng nhiều đám cháy nhỏ. Tuy tốn nhân công hơn và mất thời gian hơn, cách làm này tạo ra mật độ cháy thấp hơn và chậm hơn, tạo cơ hội cho các loài động vật thoát thân và bảo vệ tán rừng. Hơn nữa bài học rút ra từ phương pháp này là thổ dân Úc không bao giờ chống lại lửa, mà họ sử dụng lửa như 1 công cụ và thích nghi với nó.
Thảm họa cháy rừng đã phá hủy số tài sản trị giá hàng triệu USD và khiến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ Úc đang bị chỉ trích dữ dội với lời buộc tội rằng các chính sách hỗ trợ ngành than trong khi từ chối trừng phạt những công ty gây ô nhiễm môi trường chính là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.
Mùa khô ở nước Úc ngày càng có xu hướng kéo dài hơn khiến thời gian phòng cháy bị rút ngắn lại. Trong khi đó các dịch vụ cứu hỏa địa phương lại thường được thực hiện bởi các tình nguyện viên. Với thời gian và nguồn lực hạn chế, lính cứu hỏa chỉ có thể tập trung vào những vùng quanh khu dân cư. Những đám cháy có chủ ý được thực hiện với mật độ dày hơn và mạnh hơn, tạo ra vùng đất trống ở gần khu dân cư nhưng lại phá hủy thảm thực vật. Những vùng xa khu dân cư càng ít được xử lý và càng tích tụ thêm những thứ dễ cháy,
Hệ lụy từ cách tiếp cận này đã thể hiện rõ trong cuối tuần vừa qua, khi lính cứu hỏa cố gắng dùng phương pháp lửa dập lửa ở Blue Moutains nằm ở phía Tây Sydney nhưng đã hoàn toàn mất kiểm soát đám cháy, khiến ít nhất 20 tòa nhà bị thiêu rụi.
Trong văn hóa của thổ dân Úc, những người đã đặt chân đến vùng đất này từ ít nhất 60.000 năm trước, lửa chính là trung tâm cuộc sống, là biểu tượng tinh thần quan trọng, là công cụ để săn bắn, nấu ăn và sưởi ấm. Tuy nhiên nhiều nét truyền thống đã bị mai một sau khi người Anh vào Úc. Những thổ dân bị buộc phải rời khỏi vùng đất của họ và nhiều tín ngưỡng truyền thống bị người Úc da trắng khinh thường. Hiện nay thổ dân Úc là nhóm nghèo nhất và chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội Úc.
Tham khảo Bloomberg