Phút xúc động của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

22/11/2019 09:10
Trong ngày làm việc tất bật cuối cùng trên cương vị Bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn dành riêng cho VietNamNet cuộc trò chuyện vào chiều tối muộn trước ngày QH phê chuẩn miễn nhiệm.

Chiều nay, QH sẽ bỏ phiếu phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng Y tế mà bà đã nắm giữ hơn 8 năm qua để đảm nhiệm một công việc mới. Cảm xúc mấy ngày qua của bà như thế nào?

Đó là một bước trong công việc của tôi thôi và tôi sẽ thực hiện nghiêm các quyết định của Bộ Chính trị, các quy định của luật pháp hiện hành để thôi nhiệm vụ Bộ trưởng và làm nhiệm vụ mới.

Tôi luôn cảm ơn và tri ân Đảng, Nhà nước, Chính phủ, QH và ngành y tế của cả nước; đặc biệt là Bộ Y tế qua các thời kỳ và ngành y tế Việt Nam, tất cả cơ quan và đồng nghiệp, bạn bè đã đồng hành, chia sẻ cùng tôi làm tốt chức trách của mình để ngành y tế thực chất là phải phục vụ con người về sức khỏe.

Đối với tôi, công việc mới cũng lại là một thử thách mới, và tôi phải cố gắng nỗ lực để phục vụ tốt. Còn gọi là vui hay buồn với công việc thì giờ phút này cũng khó nói.

Phút xúc động của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi thật sự sẽ rất nhớ nhiều đồng nghiệp của mình. Ảnh: Ngọc Thắng


Nhưng nói về tình cảm thì chiều nay khi chia tay những đồng nghiệp của Bộ y tế, nơi mà tôi đã gắn bó suốt 13 năm qua, hơn 4 năm làm Thứ trưởng và hơn 8 năm làm Bộ trưởng ở đây, tôi thật sự sẽ rất nhớ nhiều đồng nghiệp của mình.

Thật sự từ trước đến nay, kể cả đứng trước QH gần như chưa bao giờ tôi rơi nước mắt, ngay cả khi gặp nhiều áp lực từ báo chí, dư luận, tôi cũng không rơi nước mắt. Thế nhưng chiều nay (21/11), trong khoảnh khắc chia sẻ với đồng nghiệp, phải nói là tôi sợ giây phút đó lắm, kiềm chế một lúc lâu lắm mới nói được.

Thật sự tôi sợ không nói được, sợ không đứng vững để nói. Chiều nay, đứng giữa những người đồng nghiệp thân quen, tôi thật sự rất xúc động.

Nói gì đi chăng nữa thì đó là quy luật sinh lão bệnh tử, đời là vô thường, nên mình sống mạnh khỏe để làm việc, để phục vụ, đấy là điều hạnh phúc rồi. Cuộc sống còn có những điều mà mình không bằng lòng, không hài lòng thì cũng buông bỏ.

Một cái đầu không thể bằng 10 cái đầu

Trong giai đoạn đầu làm Bộ trưởng Y tế phải nói là bà gặp khá nhiều sóng gió với “búa rìu” dư luận. Những lúc ấy cảm giác của bà như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Những “búa rìu” dư luận trước đây tôi gặp phải cũng là phản ảnh tình trạng chung của ngành, đúng là phải như thế. Vì thời điểm đó ngành y tế hết sức khó khăn, nhiều sự cố y khoa, tai biến y khoa, tai biến tiêm chủng, tai biến thẩm mỹ viện, tiêu cực trong ngành, thái độ phục vụ, quá tải, rồi đời sống cán bộ lương quá thấp, cơ sở vật chất xuống cấp…

Người dân đều phải chịu đựng quá mức những điều đó và dư luận, báo chí, người dân quan tâm thì đương nhiên họ sẽ trút cơn giận dữ mà người đứng đầu phải gánh hết. Mặc dù có những cái bản thân Bộ Y tế không gây ra, Bộ trưởng cũng không gây ra nhưng làm người đứng đầu thì mình phải hứng chịu. Điều đó là đương nhiên khi một dịch vụ không đáp ứng được người dân và người dân họ có quyền phàn nàn.

Thời điểm đó thì nói thật đi thăm các đơn vị cơ sở khám chữa bệnh, thời tiết nóng nóng bức như thế, cái ghế không có ngồi, quạt không có, nhìn các cụ lớn tuổi, trẻ em vừa khóc vừa đau chờ khám bệnh từ 5-6 giờ đến 11h30 chen chúc, ngồi chỗ chật như thế thương lắm.

Cho nên các bạn phải đi với tôi mới thấy thương cảm, gào lên vì thương. Hỏi mấy bác đi khám từ mấy giờ, họ nói tôi đi từ 5h30-6h, giờ vẫn đang chờ, trông họ như bố mẹ mình thì thương lắm.

Cho nên trong tình cảnh ấy, chuyện đối mặt với “búa rìu” dư luận là đương nhiên.

Có khi nào bà nản lòng muốn buông bỏ? Bà đã làm gì để vượt qua những khó khăn ấy và trở thành một Bộ trưởng được nhiều ĐBQH tín nhiệm như hiện nay?

Không. Điều đó, càng làm động lực, không phải cho tôi mà cho cả ngành phải quyết tâm, phấn đấu mãnh liệt, tìm mọi cách xây dựng ngành tốt hơn. Nhìn một mớ bòng bong này mới gỡ ra, vẽ sơ đồ, rồi đi giám sát thực tiễn và luôn đi học tập kinh nghiệm các nước phát triển và đang phát triển để xây dựng chính sách y tế vừa thực hiện theo đường lối của Đảng, Nhà nước vừa sát yêu cầu thực tiễn vừa hội nhập quốc tế sâu rộng.

Để làm những việc đó cần phải có tư duy logic hết sức, vừa tổng hợp vừa chi tiết, vừa hệ thống, phải rất sát với thực tiễn, tình hình, phải đổi từng trang phục của cán bộ y tế, từng cái ghế ngồi chờ, từng cái quạt, đường dây nóng rồi thái độ.

Nhưng cái nút chính là phải đổi mới cơ chế tài chính. Bạn cứ tưởng tượng, khi đó khám ca bệnh có 2.000 đồng, làm sao mua nổi đủ găng, đủ điện, đủ ga trải giường, đủ xà bông, đủ nước uống, mỗi buổi trực không đủ mua bát phở bồi dưỡng…

Bệnh viện bây giờ khác xưa rất nhiều rồi, thái độ của cán bộ y tế đã tốt lên, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện cải thiện rõ. Nhiều bệnh viện, khoa điều trị được đầu tư xây mới, mở ra với điều kiện khang trang, hiện đại, trang thiết bị không kém so với các nước trong khu vực.

Nhiều kỹ thuật cao trong ngành y tế đã sánh ngang tầm khu vực, quốc tế, bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, hưởng các dịch vụ tốt hơn, đời sống của cán bộ y tế cũng tốt hơn...

Vượt qua tất cả khó khăn đấy và có được những thành quả ngày hôm nay phải là trí tuệ tập thể. Một cái đầu không thể bằng 10 cái đầu được, phải dựa vào tập thể, phải đề ra một kế hoạch hoạt động vừa chiến lược vừa chiến thuật, chiến lược là tổng quát, chiến thuật là cụ thể, vừa ngắn hạn vừa dài hạn, vừa phải gỡ rối.

Nếu cái gì cũng muốn làm một lúc thì không được, mà làm chậm thì không chạy đua với thời gian thì không biết bao giờ dân đỡ khổ.

Bộ trưởng nào cũng áp lực

Các ĐBQH vẫn hay nói đến chuyện “tân quan tân chính sách”, bà có lo lắng sau này, những tâm huyết lâu nay của mình đã dày công xây dựng sẽ bị thay đổi hoặc dừng lại?

Việc này thì tôi cũng không nói được trước, các đồng chí kế nhiệm làm tốt hơn mình thì sao.

Với sức ép của một nữ Bộ trưởng phụ trách một lĩnh vực "nóng", bà thấy làm Bộ trưởng Y tế khó hay dễ?

Nếu mà làm thật tốt thì làm cái gì cũng khó, chẳng có cái gì dễ. Ngay làm điều dưỡng cũng phải lao động cật lực, chăm chỉ, kiên nhẫn, siêng nhặt chặt bị, để lấy cần cù bù thông minh, phải luôn học tập sáng tạo, đổi mới, đột phá, cái gì cũng phải làm thế hết, ngồi bán hàng cũng thế mà.

Bộ trưởng nào chẳng thấy khó, chứ không phải riêng Bộ Y tế. Bộ trưởng nào cũng áp lực, Bộ trưởng nào cũng vất vả, ngành nào muốn làm tốt cũng vất vả, người nào muốn làm tốt cũng vất vả.

Bộ trưởng Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến của ngày mai có gì khác biệt, thưa bà?

Tôi thì trong con người tôi vẫn thế thôi. Có lẽ từ trẻ đến giờ vẫn thế, luôn theo quy luật của các triết lý, đời là vô thường, luôn vận động phát triển. Buông bỏ là nhẹ nhất. Hạnh phúc là chấp nhận tất cả, bằng lòng những gì mình có.

Trước khi rời ghế Bộ trưởng bà có điều gì muốn gửi gắm đến cán bộ, anh em trong ngành cũng như người dân cả nước?

Tôi mong anh em tiếp tục nỗ lực làm việc, mang lại những gì phục vụ cho người dân tốt hơn và mong muốn ngày càng tốt mãi, tốt thêm, tốt nữa.

Hết khó khăn nọ chắc chắn nó nảy sinh khó khăn kia mà không hết được đâu. Đã làm cái nghề phục vụ này thì làm sao phục vụ tốt hơn, người dân hài lòng hơn, nghề này làm dâu trăm họ là đúng rồi, vì đụng hết từ trẻ em mới lọt lòng.

Đương nhiên mâu thuẫn là quy luật phát triển, giải quyết cái này nó lại ra cái khác, sự vật sẽ phát triển chứ không phải mâu thuẫn là để kìm hãm, mâu thuẫn càng lớn giải quyết càng tốt thì càng phát triển nhanh.


Tin mới

[Trên Ghế 16] Người sắp lập gia đình, đã có gia đình, tài chính 500-700 triệu nên mua xe gì?
2 giờ trước
Theo chuyên gia Đoàn Anh Dũng, việc lựa chọn xe cho từng đối tượng khách hàng phụ thuộc vào điều kiện tài chính và nhu cầu sử dụng của mỗi người, sau đó đến các yếu tố về thương hiệu và động cơ.
Đại chiến phá giá không thấy đáy giữa các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan: Hậu quả khôn lường
55 phút trước
Việc phá giá bất chấp hậu quả của các hãng xe điện Trung Quốc tại Thái Lan đang gây ra nhiều hậu quả tai hại cho chính quốc gia này và buộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan phải lên tiếng.
Yamaha ra mắt xe ga mới siêu tiết kiệm xăng, màu tím cực cá tính, cốp rộng hơn Honda Lead
22 phút trước
Yamaha tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong phân khúc xe ga đô thị với phiên bản mới vừa được trình làng.
Ông nông dân trồng "loài cây quen thuộc" thu lãi nhẹ nhàng 2 tỷ đồng/năm
59 phút trước
Trồng "loài cây quen thuộc" mỗi năm thu lãi hơn 2 tỷ đồng, ông nông dân Nguyễn Huỳnh Thanh ở Tân Định, Bình Dương đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Hơn 300 gian hàng quy tụ kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu tại triển lãm FBC ASEAN 2024
16 phút trước
Một sự kiện lớn dành riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo và công nghiệp phụ trợ đang được diễn ra từ ngày 18 – 20/9/2024 nhằm kết nối và mở rộng quan hệ hợp tác với thị trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục

Gây sốt với mức giá chỉ 354 triệu đồng, "Honda City phiên bản SUV" có thêm bản đặc biệt
35 phút trước
Thiết kế đẹp mắt, trang bị hiện đại và giá bán rẻ ngang Hyundai Grand i10, mẫu xe được mệnh danh là "Honda City phiên bản SUV" đang khiến thị trường dậy sóng.
Bộ 3 xe AION mới chốt ra mắt Việt Nam năm nay: Nhiều phân khúc, có xe cửa cánh chim, chạy xa nhất 770km/sạc
2 giờ trước
Y Plus, ES và Hyptec HT sẽ là những mẫu xe đầu tiên được AION đưa về Việt Nam từ tháng 10 tới cuối năm nay. Hệ thống trạm sạc vẫn đang là thách thức không nhỏ.
Các bản Hyundai Santa Fe 2024 quá tương đồng, khách sẽ bớt rối khi nhìn vào bảng so sánh này
23 giờ trước
Ngoại trừ phiên bản tiêu chuẩn, các phiên bản còn lại của Hyundai Santa Fe 2024 đều có sự tương đồng lớn về mặt trang bị.
Người dân vùng lũ lụt đang cần nhất những hàng hóa, vật dụng gì?
1 ngày trước
Từ sự giúp đỡ của các cơ quan, nhà hảo tâm, đời sống người dân vùng bão lũ, sạt lở đã cơ bản qua tình huống nguy cấp. Để tái thiết cuộc sống lâu dài, người dân vẫn cần rất nhiều nguồn lực khác nhau.