Trong đó, PMI tháng 7 Việt Nam đạt 47,6 điểm, giảm 3,5 điểm so với tháng trước do lượng đơn đặt hàng và sản lượng đơn hàng mới đều giảm do ảnh hưởng của đại dịch.
Tháng 6, PMI của Việt Nam đã tăng 8,4 điểm so với tháng 5 và đạt 51,1 điểm. Đây là lần tăng thứ hai trong năm của PMI sau nhiều tháng giảm vì chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy.
Sau đó, sản lượng, đơn hàng mới trong hoạt động sản xuất hàng hóa trung gian và đầu tư cơ bản tháng 7 đều giảm trở lại, ngoài trừ hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng tăng. Theo đó, số lượng việc làm cũng giảm mạnh và người lao động đã quyết định nghỉ việc để tìm kiếm sinh kế khác. Trong bối cảnh đó, nhà sản xuất cũng quyết định cắt giảm việc mua hàng hóa, nguyên liệu sản xuất đầu vào và hàng tồn kho.
Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp phòng dịch khiến cho việc giao nhận hàng hóa từ Trung Quốc hoặc vận tải bằng đường biển khó khăn khiến cho thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị đình trệ, kéo dài làm tăng chi phí sản xuất đầu vào. Trong khi đó, giá thành phẩm ghi nhận giảm lần thứ 6 liên tiếp trong nước, mức giảm mạnh hơn cả tháng 6. Nhà sản xuất cho rằng dù không mong muốn nhưng vẫn phải hạ giá vì áp lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn cho rằng, PMI tháng 7 giảm vẫn còn "nhẹ nhàng" hơn rất nhiều so với những lần giảm trước - khi thực hiện giãn cách xã hội. Họ cũng lạc quan về triển vọng sản xuất trong 12 tháng tới, kỳ vọng số lượng đơn hàng mới và sản lượng sẽ sớm lấy lại đà tăng.