Trong khi đó, chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn khi thời gian giao hàng bị kéo dài nhiều nhất trong hơn 10 năm thu thập dữ liệu. Tốc độ tăng chi phí đầu vào tăng mạnh, nhưng các công ty chỉ tăng vừa phải giá cả đầu ra vì muốn giành các đơn đặt hàng.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng từ 44,1 điểm của tháng 6 lên 45,1 điểm trong tháng 7. Tuy nhiên, số liệu lần này cho thấy các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất suy giảm đáng kể tháng thứ 2 liên tiếp.
Nguồn: IHS Markit
Chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng trong tháng 7
Các số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các nhà sản xuất đã nêu bật ảnh hưởng của đợt bùng phát COVID-19 hiện nay đối với hoạt động sản xuất. Một số công ty đã buộc phải đóng cửa tạm thời, trong khi các công ty khác phải hoạt động cầm chừng do các biện pháp giãn cách xã hội. Những ảnh hưởng này, cùng với sự sụt giảm đáng kể số lượng đơn đặt hàng mới, đã làm giảm mạnh sản lượng ngành sản xuất vào đầu quý 3.
Mức giảm sản lượng chỉ thấp hơn so với mức được ghi nhận sau đợt bùng phát đại dịch COVID-19 vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái. Cùng với việc giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng giảm.
Song, mức giảm của các đơn hàng xuất khẩu là nhẹ hơn so với tổng số đơn đặt hàng mới, khi một số báo cáo cho biết nhu cầu trên thị trường quốc tế cải thiện. Khối lượng công việc giảm, các trường hợp đóng cửa tạm thời và hạn chế số nhân viên do yêu cầu giãn cách xã hội đã khiến việc làm giảm đáng kể tháng thứ hai liên tiếp.
Trong khi sự gián đoạn trong hoạt động làm cho lượng công việc tồn đọng tăng tại một số công ty, tình trạng này bị lấn át bởi mức giảm mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới. Về tổng thể, lượng công việc chưa thực hiện giảm nhẹ. Sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng được ghi nhận trong tháng 7, với mức độ chậm trễ là đáng kể nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước.
Nguồn: IHS Markit
Niềm tin kinh doanh trong tháng 7 vẫn ở mức thấp hơn trung bình
Báo cáo chỉ rõ, nguyên nhân kéo dài thời gian giao hàng là do khó khăn trong khâu vận chuyển cả trong nước và quốc tế vì đại dịch, cũng như tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu. Các nhà sản xuất cũng phải đối mặt với tình trạng chi phí đầu vào tăng. Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn thành mức nhanh nhất kể từ tháng 4/2011.
Những người trả lời khảo sát báo cáo chi phí tăng đối với các nguyên vật liệu như sắt, thép, các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và cước phí vận chuyển. Trong khi một số công ty chuyển gánh nặng chi phí tăng này cho khách hàng, các công ty khác lại ngần ngại làm việc đó vì tình trạng nhu cầu yếu.
Kết quả là, tốc độ tăng giá cả đầu ra chậm hơn nhiều so với chi phí đầu vào, từ đó tạo áp lực lên biên lợi nhuận. Những lo lắng về ảnh hưởng hiện nay của đại dịch khiến niềm tin kinh doanh trong tháng 7 vẫn ở mức thấp hơn trung bình của lịch sử chỉ số, mặc dù các công ty nhìn chung vẫn lạc quan về khả năng tăng trưởng sản lượng trong năm tới.
Liên quan đến kết quả khảo sát, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, Andrew Harker nhấn mạnh: "Theo dữ liệu chỉ số PMI mới nhất, làn sóng đại dịch COVID-19 hiện nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng lên các nhà sản xuất Việt Nam, khi tình trạng đóng cửa công ty và giãn cách xã hội góp phần làm sản lượng giảm mạnh. Các quy định giãn cách cũng hạn chế số nhân viên được có mặt tại nơi làm việc, từ đó tiếp tục ảnh hưởng đến các dây chuyền sản xuất.
Ngoài vấn đề giảm số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng, các công ty cũng đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài với mức độ còn lớn hơn thời điểm sau đợt bùng phát đại dịch lần đầu năm ngoái và áp lực giá cả tăng. Lĩnh vực sản xuất có thể vẫn chịu áp lực và khó tăng trưởng cho đến khi đợt bùng phát dịch lần này được kiểm soát, nên điều quan trọng là cần theo dõi số lượng ca nhiễm COVID-19 để cho thấy dấu hiệu cải thiện".