Theo báo cáo Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) của Nikkei, dữ liệu tháng 3 cho thấy kết quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất không đồng đều giữa các quốc gia ASEAN. Bốn trong bảy quốc gia được khảo sát cho biết có sự cải thiện về các điều kiện kinh doanh, giảm so với năm quốc gia trong hai tháng đầu năm 2018.
Myanmar thay thế Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng ngành sản xuất ASEAN khi lĩnh vực sản xuất tăng trưởng mạnh. PMI giảm xuống 51,6 điểm trong tháng 3 so với 53,5 điểm trong tháng 2 - mức cao nhất 10 tháng - đẩy Việt Nam xuống vị trí thứ 2 khu vực. Trong khi Philippines vượt lên vị trí thứ 3 khi tác động tiêu cực đối với lực cầu của cuộc cải cách thuế gần đây đã có dấu hiệu giảm.
Việt Nam đứng thứ 2 khu vực về chỉ số PMI tháng 3
Nikkei cho biết, các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục cải thiện vào tháng cuối quý I/2018 nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại so với tháng 2. Sản lượng và việc làm chỉ tăng khiêm tốn, trong khi số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh nhờ xuất khẩu tăng. Tốc độ tăng chi phí đầu vào với giá cả đầu ra cũng tăng chậm hơn trong tháng 3.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, Phó giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: “Mặc dù vẫn còn tăng trưởng trong tháng 3, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có các chỉ tiêu tăng trưởng yếu hơn, đặc biệt là về sản lượng. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh nhờ lĩnh vực xuất khẩu, từ đó dẫn đến tình trạng lạc quan về triển vọng tăng sản lượng trong tương lai gần. Các công ty cũng bớt lo lắng về lạm phát hơn khi chi phí đầu vào tăng chậm hơn nhiều so với tháng
2. Do đó, áp lực lạm phát có vẻ như đã đạt đỉnh ở thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới”.