Sáng 17/4, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thành công.
BÁN LẺ TRANG SỨC TĂNG MẠNH DÙ DỊCH COVID-19
Báo cáo cổ đông, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT của PNJ, cho biết mảng kinh doanh cốt lõi của PNJ tiếp tục tăng trưởng lớn từ việc gia tăng thêm thị phần. Cụ thể, doanh thu bán lẻ của công ty vẫn đạt mức 10% so với cùng kỳ nhờ kết quả của quá trình số hoá năm 2019.
Năm 2020, PNJ đã mở mới 29 cửa hàng Gold (vàng), đóng 36 cửa hàng (đa số là cửa hàng Silver : bạc) để tái cơ cấu cửa hàng mới và chi phí thuê tốt hơn. Điều này giúp cho mảng bán lẻ của PNJ đóng góp tới gần 60% vào tổng doanh thu của công ty.
Do vậy, kết thúc năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng nhiều chỉ tiêu kinh doanh cốt lõi của công ty vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt 17.510 tỷ đồng, tăng gần 21%. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.349 tỷ đồng, tăng gần 29% so với kế hoạch.
Dù hoạt động năm 2020 khó khăn hơn năm 2019, nhưng doanh thu thuần vẫn tăng trưởng nhẹ 3%, dù lợi nhuận trước thuế giảm 10%. Do đó, công ty vẫn quyết định chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt ở tỷ lệ 20%, tăng so với dự kiến 18% trước đó.
Ngoài ra, trong quý I/2020, HĐQT đã hoàn tất việc thu hồi hơn 76,2 triệu cổ phần ESOP của CBNV nghỉ việc trong thời gian còn hạn chế chuyển nhượng. Theo quy định, HĐQT sẽ thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với số lượg cổ phần đã thu hồi nêu trên. Vì vậy, số vốn giảm 726,4 triệu đồng, vốn điều lệ của công ty sau khi giảm vốn còn 2.275 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu quỹ là 169.559 cổ phần.
TĂNG VỐN VÀ PHÁT HÀNH ESOP
Bước sang năm 2021, PNJ tiếp tục thắng lớn trong quý I với trọng điểm là mùa Thần Tài. So với mùa Thần Tài năm 2020, mùa Thần Tài năm 2021 doanh thu trang sức kênh bán lẻ tăng 39%. Luỹ kế tháng 2/2021, doanh thu thuần đạt 5.011 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, lãi ròng đạt 380 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Với tình dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát và có vaccine, PNJ đặt kế hoạch các chỉ tiêu đều tăng trưởng so với năm 2020.
Theo đó, doanh thu thuần tăng 20%, đạt 21.005 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 14%, đạt 1.532 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến chia 20%, bằng năm 2020.
PNJ cũng trình cổ đông vấn đề thưởng cho HĐQT bằng tiền mặt tỷ lệ 1,5% lợi nhuận sau thuế nếu lợi nhuận năm 2021 vượt 115% so với năm 2020.
Công ty dự kiến phát hành 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 2.276 tỷ đồng lên mức 2.426 tỷ đồng.
Năm nay, PNJ cũng phát hành hơn 3,6 triệu cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) cho lãnh đạo chủ chốt và công ty con với giá 10.000 đồng/cổ phần. Tỷ lệ phát hành tối đa là 1,5%/tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm phát hành.
Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 12 tháng là 100%, trong đó, 70% số lượng ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 24 tháng và 40% số lượng bị hạn chế trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm phát hành.
Công ty sẽ áp dụng hình thức thu hồi lại cổ phiếu ESOP nếu CBNV nghỉ việc trước khi kết thúc thời gian hạn chế chuyển nhượng, trừ các trường hợp không bị thu hồi…
Trả lời các câu hỏi của cổ đông về tình hình thị trường bán lẻ trang sức năm 2021, theo ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT của PNJ, năm nay có sự "ấm hơn", nhưng không hoàn toàn sáng rõ, "con đường phía trước vẫn còn trơn trượt dù tuyết đã được dọn". PNJ tranh thủ thời cơ lúc thị trường tốt sẽ tăng tốc nhanh nhất.
Còn theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT của PNJ, công ty đang tăng tốc phát triển trong 5 năm tới, do đó cần nhiều vốn dài hạn, đặc biệt cần vốn để mở rộng mạng lưới thêm 45 cửa hàng với chiến lược bán lẻ và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và kinh doanh.
Hiện PNJ đang có 2 nhà máy với công suất có thể lên tới 4 triệu sản phẩm/năm và công ty đang tìm kiếm mặt bằng để di dời 1 nhà máy khỏi khu vực dân cư. Tham vọng của PNJ tiếp tục nhập công nghệ mới để bán sỉ vàng, hiện năng lực nhà máy chỉ đủ cho bán lẻ.