Ghi nhận sau buổi chia sẻ của ban lãnh đạo về ứng phó với dịch COVID-19 mới đây, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ước tính doanh thu quý 1/2020 vẫn tăng trưởng nhẹ 5% lên 5.000 tỷ đồng; chủ yếu nhờ nhu cầu vàng miếng tăng cao khoảng 15%, mảng bán lẻ tăng 8%, ngược lại doanh số bán sỉ giảm đáng kể hơn 17% so với cùng kỳ.
Lên kế hoạch đẩy mạnh khai thác vàng miếng, nhẫn vàng từ tháng 3/2020
Được biết, khách hàng có sự dịch chuyển hành vi mua sắm, PNJ cho hay, trong đó thay vì mua trang sức như thường lệ, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm có giá trị tích lũy cao hơn như nhẫn và vàng miếng.
Thậm chí, tầng lớp thượng lưu, trung lưu ngày nay thay vì mua xe hơi… người ta sẽ hướng sang tài sản tích trữ giữa khủng hoảng là vàng; trong đó trang sức bằng vàng nổi bật hơn cả vì vừa có thể đầu tư vừa thỏa mãn nhu cầu làm đẹp.
Nắm bắt cơ hội này, PNJ hiện đã và đang thực hiện kế hoạch triển khai cho dòng sản phẩm này ngay từ tháng 3, nhắm vào thị trường tiềm năng cấp 2 và 3. Chiến lược này mang về mức tăng lên đến 75% với nhóm vàng miếng. Bù đắp cho mức sụt giảm mạnh trước động thái đóng cửa bắt buộc các cửa hàng trong vùng dịch.
Cùng với đó, Công ty cũng đẩy mạnh hoạt động bán hàng online, marketing thông qua hình thức livestream, giao tận nhà… nhằm ứng phó với dịch bệnh.
Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế trong kỳ PNJ thu về khoảng 411 tỷ đồng, giảm 4%. So với kế hoạch ban đầu với 19.020 tỷ doanh thu và 1.349,5 tỷ lợi nhuận sau thuế, 3 tháng đầu năm PNJ đã lần lượt thực hiện được 25% và 30% chỉ tiêu 2020.
Giảm mạnh trước áp lực dịch bệnh, hiện cổ phiếu PNJ dần hồi về vùng 58.000 đồng/cp.
Tăng tiền mặt, cơ cấu lại hàng tồn, tiếp tục đàm phán miễn giảm tiền mặt bằng
Lên kế hoạch hành động cho thời gia tới, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ban lãnh đạo PNJ phân trần hoạt động kinh doanh thị trường vàng nói chung và Công ty nói riêng chắc chắn còn bị ảnh hưởng. Ứng phó, PNJ sẽ thường xuyên cập nhật tình hình, xây dựng kế hoạch nhằm thích nghi với thời thế. Thậm chí, Công ty cho biết có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Chi tiết, với nguồn thu, PNJ sẽ tiếp tục thúc đẩy bán hàng trực tuyến, tập trung khai thác nhu cầu vàng miếng, nhẫn vàng tăng trưởng giữa đại dịch. Nhấn mạnh, người đứng đầu PNJ cho hay Công ty không đầu cơ vàng, mà chỉ kinh doanh sản phẩm vàng.
Bên cạnh đó, PNJ cũng thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tối đa chi phí. Thứ nhất về chi phí mặt bằng, Công ty hiện đang đàm phán với các chủ cho thuê nhằm giảm tiền thuê giữa mùa dịch, ngược lại PNJ chưa tính tới phương án thu hẹp mạng lưới.
"Hiện nay khoảng 40% chủ cho thuê đã đồng ý giảm chi phí cho PNJ, trong đó tỷ lệ giảm thiểu từ 15% và có nơi lên đến 100%", đại diện Công ty chia sẻ.
Thứ hai, liên quan đến chi phí sản xuất, nhân sự. Hiện, PNJ đã dừng nhập hàng nhằm tối ưu hóa hàng tồn. Hồi đáp lo ngại về hàng tồn của giới đầu tư, CEO Lê Trí Thông nhấn mạnh: "Khác với các nhà bán lẻ khác, hàng tồn kho của PNJ là mặt hàng có tính thanh khoản cao và có giá trị tăng thêm.
Trong đó, trang sức PNJ là những mẫu mới, giới hạn số lượng, nên tỷ lệ lỗi mode thấp. Chưa kể trong trường hợp sản phẩm lỗi mode thì cũng tùy thời điểm, hàng có thể lỗi ở giai đoạn này nhưng lại hợp thời trong giai đoạn khác. Hoặc lỗi mode ở khu vực này chưa lại vẫn thịnh tại khu vực khác…".
Như vậy, PNJ khẳng định bản thân doanh nghiệp không lo lắng về giảm giá hàng tồn hay thu hồi lại sản phẩm, hơn nữa nhà sản xuất nên có thể tái chế.
Ngoài ra liên quan đến chi phí lương thưởng nhân sự, ban điều hành Công ty cho hay đã tự nguyện giảm 50% thu nhập, các cấp quản lý và nhân viên tự nguyện nghỉ không lương 2 ngày/tuần trong giai đoạn thấp điểm.
Cùng với đó, Công ty cũng tăng cường tiền mặt để phòng ngừa tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.