Đột ngột điều chỉnh sau khi nguyên Ủy viên HĐQT là bà Nguyễn Thị Cúc bị khởi tố liên quan đến vụ án tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đã nhanh chóng hồi phục khi phía Chủ tịch lên tiếng trấn an cổ đông.
Tuy nhiên, cổ phiếu "đại gia" đá quý này lại chóng vánh giảm, thậm chí với tốc độ nhanh hơn, từ mức 120.000 đồng/cp chưa đầy một tháng đã sụt giảm hơn 32% về mức sàn 81.000 đồng phiên 2/7/2018.
Với một cổ phiếu có nhiều động lực tăng trưởng như PNJ, đà giảm không phanh này thực sự gây sốc thị trường, nhiều nhà đầu tư bị "kẹp hàng", tiến thoái lưỡng nan không biết nên bán ra hay nắm giữ.
PNJ rơi một mạch từ 120.000 về 80.000 đồng
Nhớ lại trước đó, thông tin bà Cúc bị khởi tố được nhiều CTCK nhận định sẽ không ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của PNJ, trong đó Chứng khoán HSC nhận định nếu có cũng chỉ dừng lại mức độ tâm lý ngắn hạn.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nhận định vụ DongABank (DAB) sẽ không ảnh hưởng đến PNJ, đơn vị này khuyến nghị mua với giá mục tiêu lên đến 143.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay nhiều ý kiến thiên về việc bán ra dần mã PNJ, bởi giá trị cổ phiếu đã thực sự chạm đỉnh?!
Cụ thể, nhiều chuyên gia nhận định đà giảm PNJ như hiện này là hiển nhiên sau một giai đoạn nhà đầu tư đã có phần quá lạc quan trước triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp này trong bối cảnh thị trường sôi động hồi đầu năm. Kết hợp với một số tin xấu, tình trạng PNJ bây giờ được hiểu nôm na như kiểu giọt nước tràn ly.
Thứ nhất là nguyên nhân chủ quan, giá trị thực theo nhiều ý kiến đã giảm nhiệt, mực hợp lý đến nay chỉ có thể từ 90.000-100.000 đồng/cp khi mà thị trường không còn chấp nhận mức P/E cao như trước tương ứng với P/E forward khoảng 20 lần.
Cùng với đó, nói là Công ty đã hoàn toàn không còn liên quan đến vụ DAB, những khoản ghi nhận từ nhà băng này cũng đã được PNJ trích lập dự phòng 100%, hay sự cố bà Cúc cũng không liên quan; song thị trường đang có nhiều tin đồn lùm xùm khác liên quan đến ban lãnh đạo, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến độ trơn tru của hoạt động kinh doanh như dự báo.
Như vậy, thị trường chung xấu, nhiều lùm xùm cùng với giá trị thực tế bị nghi ngờ là nguyên nhân được lý giải cho đà sụt giảm của "cổ phiếu vua" thời gian gần đây.
Vấn đề là, nhà đầu tư nắm giữ phải làm gì?
Thực tế, những động lực tăng trưởng của PNJ vẫn còn giá trị rất cao, phải kể đến:
(1) thị trường bán lẻ với dư địa tăng trưởng dồi dào, chưa kể lĩnh vực vàng bạc đá quý đang có tổng cầu cao lại rất ít đối thủ cạnh tranh;
(2) chiến lược đầu tư tổng cộng 8,3 triệu USD cho hệ thống ERP mới cũng như chuyển sang nền tảng số trong năm 2018 và 2019 nhằm gần hơn với người tiêu dùng;
(3) kế hoạch đầu tư hệ thống công nghệ 4.0 mới, vốn đầu tư ước tính ban đầu khoảng 5 triệu USD, giúp PNJ lưu lại dữ liệu của khách hàng qua đó tổng hợp và tính toán nhu cầu thị hiếu chung của thị trường hiện từ đó linh động trong việc sản xuất qua đó giúp đẩy mạnh doanh thu…
Theo đó, quyết định hiện nay theo nhiều chuyên gia là tùy thuộc vào mức độ chịu rủi ro để cân nhắc bán ra hoặc tiếp tục nắm giữ PNJ, vì suy cho cùng PNJ cũng là một cổ phiếu cơ bản.
Mặt khác, PNJ cũng ghi nhận một đà tăng trưởng rất mạnh trong hệ thống phân phối cũng như kết quả kinh doanh của PNJ, 5 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu Công ty đạt khoảng 6.489 tỷ đồng, tăng 34% cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ chiếm 73%, tăng 36% cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 580 tỷ đồng, hoàn thành 53% kế hoạch năm.
Chứng khoán Bảo Việt đánh giá triển vọng của PNJ vẫn khả quan với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2018 là 36%, sự tăng trưởng này vẫn duy trì ở mức cao 41% trong năm 2019.
BVSC đánh giá cao về chiến lược phát triển hệ thống bán lẻ mà PNJ tập trung trong 2 năm gần đây. Với tốc độ mở rộng hiện tại, BVSC dự kiến số lượng cửa hàng của PNJ cuối năm 2018 là 310 cửa hàng, tiếp tục hướng đến mục tiêu 400 cửa hàng vào năm 2020.