Việt Nam cũng không ngoại lệ
Ở các thị trường mới nổi của Châu Á, nơi có những ông chủ giàu có muốn để lại tài sản cho thế hệ sau, cùng với việc các bộ luật mới có hiệu lực nhằm phân phối lại nguồn vốn khiến giới nhà giàu ngày càng quan tâm đến việc quản lý tài sản gia đình.
Trước nhu cầu của giới nhà giàu, các tổ chức tài chính tăng cường hoạt động quản lý tài sản gia đình hay còn gọi là dịch vụ ngân hàng cá nhân (private banking) tại các thị trường mới nổi ở châu Á.
Nếu như trước đây, các tổ chức tài chính châu Âu và Mỹ tập trung vào các thị trường như Singapore và Hồng Kông với kỳ vọng tăng trưởng cao, thì nay rục rịch mở rộng hoạt động private banking sang các thị trường mới như Thái Lan, Philippines.
Theo Nikkei, hôm 8/3 Ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Julius Baer Group công bố rằng họ sẽ thành lập một liên doanh quản lý tài sản với Siam Commercial Bank (Siam Bank), ngân hàng có tài sản lớn thứ ba và lâu đời nhất ở Thái Lan. Liên doanh sẽ nhắm đến phân khúc khách hàng cá nhân có tài sản lớn hơn 10 triệu baht ( 320.300 USD). Ngân hàng Thuỵ Sỹ này cũng tìm kiếm khách hàng ở Việt Nam và Campuchia, nơi mà Siam Bank đang hoạt động.
Đây là liên doanh thứ hai trong lịch sử 128 năm của Julius Baer. Ngân hàng tư nhân Thụy Sỹ hiểu rằng việc thiết lập liên doanh là cần thiết vì rất khó để tự thành lập chi nhánh ở Thái Lan, nơi mà các ngân hàng địa phương thống trị và có mối quan hệ chặt chẽ với những người giàu có. Julius Baer sẽ trực tiếp tiếp cận mạng lưới khách hàng của Siam Bank để khai thác thị trường private banking đang phát triển của Thái Lan.
Giám đốc điều hành của Julius Baer, ông Bernhard Hodler cho biết, nhu cầu về các dịch vụ tư vấn quản lý tài sản cá nhân tại Châu Á ngày một gia tăng.
Vì sao là châu Á?
Năm 2016, tập đoàn dịch vụ tài chính Thụy Sĩ Credit Suisse đã vận hành bộ phận quản lý tài sản ở Thái Lan. Hay ngân hàng tư nhân Thụy Sỹ Lombard Odier đã hợp tác với ngân hàng lớn thứ 4 của Thái Lan là Kasikornbank trong năm 2014, và với Union Bank of the Philippines năm 2016 để cung cấp kiến thức chuyên môn về phát triển sản phẩm và tư vấn quản lý tài sản.
Theo nhà tư vấn người Pháp Capgemini, tài sản của các cá nhân có thu nhập cao ở các thị trường mới nổi của châu Á như Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ đã tăng 10,2% vào năm 2016 và dự kiến sẽ tăng trung bình hàng năm khoảng 12,9% cho đến năm 2025.
Trong khi đó, tài sản của các cá nhân có thu nhập cao ở thị trường lâu đời ở Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore dự kiến sẽ tăng khoảng 6,4% trong cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,9% năm 2016.
|
Emerging Asia: Thị trường mới nổi Châu Á; Mature Asia: Thị trường lâu đời ở Châu Á |
Patrick Odier, chuyên gia quản lý cấp cao của Lombard Odier cho biết, ở thị trường mới nổi của châu Á, nơi có nhiều công ty thuộc sở hữu của gia đình, chủ doanh nghiệp giàu có đang tìm kiếm lời khuyên từ các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp về những cách hiệu quả để có thể truyền lại tài sản của họ cho thế hệ tiếp theo .
Kể từ khi thuế thừa kế được ban hành ở Thái Lan năm 2016, giới giàu có nhận ra rằng việc nắm giữ tài sản không phải lúc nào cũng tốt, nó còn bao gồm cả trách nhiệm và rủi ro. Chính sự thay đổi từ chính sách đã mang lại cơ hội lớn cho dịch vụ private banking. Tận dụng thời cơ, các ngân hàng châu Á như ngân hàng DBS, Oversea-Chinese tại Singapore… đang ra sức nỗ lực thu hút tiền từ những người giàu có ở “thị trường mới nổi” ở châu Á.