Trong thông báo vừa được phát đi của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No va (Novaland, NVL), Công ty này cho biết đang cùng các cổ đông, đối tác nước ngoài, các đội ngũ chuyên gia hàng đầu của EY - Parthenon, Red Capital, Công ty luật YKVN… đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện.
EY – Parthenon là một thành viên của hãng kiểm toán EY, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp. Hiện EY-Parthenon là một trong những đơn vị tư vấn chiến lược toàn cầu top đầu cùng với những tên tuổi khác như Bain, McKinsey, BCG...
Trong khi đó, hai đơn vị Việt Nam tham gia tư vấn là YKVN và Red Capital cũng có rất nhiều điểm đáng chú ý.
Công ty luật góp mặt tại một loạt deal M&A đình đám
Công ty luật YKVN ra đời năm 1999, do các luật sư Trương Nhật Quang và Diệp Hoài Nam thành lập. Hiện nay YKVN đã phát triển thành hãng luật độc lập với hơn 90 luật sư làm việc tại 3 văn phòng tại Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh và Singapore.
Theo giới thiệu, trong năm 2022, YKVN là bên tư vấn luật Việt Nam (hợp tác với Slaughter & May) cho Swire Beverage Holdings Limited, một công ty con của Swire Pacific Limited trong giao dịch mua lại các nhà máy đóng chai Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia trị giá 1,015 triệu đô la Mỹ.
YKVN là đơn vị tư vấn cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan trong giao dịch đầu tư vào Công ty Cổ phần Trusting Social, một công ty khởi nghiệp về đánh giá điểm tín dụng có trụ sở tại Singapore và Việt Nam. Giao dịch đầu tư trị giá 65 triệu USD được thực hiện thông qua Công ty TNHH The Sherpa, một công ty con của Masan cho lượt hoàn tất đầu tiên của vòng gọi vốn Series C.
YKVN cũng tư vấn cho Vietcombank với tư cách là ngân hàng đầu mối thu xếp và bảy ngân hàng thương mại Việt Nam tham gia đồng tài trợ liên quan đến khoản tín dụng trị giá 35.000 tỷ VND (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD) cho dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Trước đó, ba giao dịch do YKVN tư vấn từng được trao giải Giao Dịch Có Ảnh Hưởng Của Năm.
Thứ nhất là giao dịch Alibaba và Baring Private Equity Asia đầu tư vào The CrownX trị giá 400 triệu USD - Được Tạp chí Asialaw đánh giá là "Giao Dịch Đầu Tư Vốn Chủ Sở Hữu Tư Nhân lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam", YKVN (cùng với Milbank) đã tư vấn cho Masan và The CrownX trong giao dịch này.
Thứ hai là giao dịch VPBank bán 49% cổ phần FE Credit cho Tập Đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản - Giao Dịch Mua Bán & Sáp Nhập với quy mô lớn nhất tại Việt Nam vào năm 2021 và là giao dịch với quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng tại Việt Nam. Giá trị giao dịch được công bố rộng rãi ước tính lên tới 150 tỷ yên (khoảng 1,4 tỷ USD).
Thứ ba là một giao dịch phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hoa Kỳ.
Sự xuất hiện của Red Capital trong vụ thâu tóm đình đám của Gelex và Viglacera
Trong 3 cái tên kể trên, CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Đỏ (Red Capital) được chú ý hơn cả khi đơn vị này đã từng xuất hiện trên thị trường tài chính trong thương vụ đình đám Gelex mua cổ phần Tổng công ty Viglacera (VGC).
Theo đó, vào năm 2019, Bộ Xây dựng thực hiện phương án thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera, giai đoạn 1 với số lượng 80,58 triệu cổ phần, tương ứng 17,97% vốn điều lệ theo phương thức đấu giá công khai trên Sàn giao dịch chứng khoán. Trước thềm thoái vốn của Bộ Xây dựng, “nhóm Gelex” gồm Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex và Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam – Gelex (GEX) đã mua cổ phần từ các cổ đông khác, nắm 9,8% Viglacera.
Sau phiên thoái vốn của Bộ Xây dựng, đến tháng 6/2019 khi Đại hội cổ đông thường niên của Viglacera diễn ra, nhóm Gelex đã nắm 25%. Ông Nguyễn Văn Tuấn – khi đó đang là Chủ tịch HĐQT của Gelex được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Viglacera. Với viễn cảnh Bộ Xây dựng thoái vốn theo lộ trình của Thủ tướng, Gelex ngay trong năm 2019 đã đặt ra mục tiêu mua chi phối Viglacera.
Cho đến nay, sau nhiều giao dịch “mua gom” và chuyển giao, hiện tại công ty con của GELEX là CTCP Hạ tầng Gelex đang nắm 50,21% Viglacera. Bộ Xây dựng vẫn đang nắm 38,58%.
Trong quá trình diễn ra thương vụ thâu tóm này, Red Capital từng nắm 5 triệu cổ phiếu VGC (1,12% vốn điều lệ) và sau đó bán hết toàn bộ vào tháng 9/2020 cùng lúc Gelex chào mua cổ phần VGC.
Bà Đỗ Thị Phương Lan, thành viên HĐQT của Viglacera được biết là cổ đông sở hữu 24,96% vốn của Red Capital. Bà Đỗ Thị Phương Lan giữ vị trí là phó Chủ tịch HĐQT của Gelex khi được bầu làm thành viên HĐQT của Viglacera.
Theo giới thiệu, Red Capital có vốn điều lệ 70 tỷ đồng với 12 nhân viên, do bà Đỗ Thị Phương Lan làm Tổng giám đốc. Tiền thân của Red Capital là CTCP Quản lý quỹ Dầu khí toàn cầu (GP Fund), sau đó được Chứng khoán IB (nay là chứng khoán VIX) mua lại và đổi tên thành Quản lý quỹ IB (IBFM).
Chứng khoán IB sau đó cũng thoái vốn tại đây là IBFM được đổi tên thành Red Capital như hiện nay.
Hiện Red Capital chuẩn bị tăng vốn lên 112 tỷ đồng thông qua việc chào bán riêng lẻ 4,2 triệu cổ phiếu với giá 25.000 đồng cho CTCP Tư vấn đầu tư Amazon. Số tiền thu được sẽ dùng chủ yếu để góp vốn vào một Quỹ thành viên quy mô từ 1.000 tỷ đồng.
Ngoài thương vụ tại Viglacera, Red Capital mới đây vào tháng 10/2022 cũng xuất hiện cùng NovaGroup trong vai trò đối tác khi chuyển giao Đề án quy hoạch và cơ chế ưu đãi đặc thù kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương cho tỉnh An Giang.
Tại buổi họp với tỉnh An Giang, NovaGroup đã chuyển giao các ý tưởng quy hoạch, phân kỳ đầu tư, các chính sách ưu đãi theo đề xuất của các nhà đầu tư để góp phần phát triển khu Kinh tế Cửa khẩu Vĩnh Xương - An Giang. Trước đó, NovaGroup cũng đã chuyển giao Đề án Quy hoạch Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Tháp cho tỉnh Đồng Tháp.
Đây là đề án quy hoạch liên vùng, gồm khu biên giới cửa khẩu của 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp với kỳ vọng nơi đây sẽ là một đô thị biên mậu thông minh bao gồm Trung tâm Du lịch của khu vực; Trung tâm Logistic GMS và trung tâm chế biến nông thuỷ sản của Quốc gia.
Xuất hiện tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ Red Capital Đỗ Thị Phương Lan cam kết đồng hành cùng NovaGroup trong việc triển khai đề án.
Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ Red Capital Đỗ Thị Phương Lan
Nói về cuộc tái cấu trúc tại Novaland, bà Đào Thị Thiên Hương, Lãnh đạo EY - Parthenon Việt Nam, là đơn vị tư vấn chiến lược và tái cấu trúc thuộc EY toàn cầu, cho biết: “Đây là giai đoạn thị trường trong nước cũng như quốc tế đang đối diện với rất nhiều thách thức và có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động cũng như thanh khoản của nhiều doanh nghiệp.
Với đội ngũ EY - Parthenon, đây không chỉ là một dự án tái cấu trúc nợ của một doanh nghiệp đơn thuần, mà còn là câu chuyện ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn gia đình người lao động, bao gồm hàng ngàn cán bộ nhân viên của Novaland, và hàng trăm ngàn người lao động trong hệ sinh thái hợp tác với Novaland từ xây dựng, vật liệu, sắt thép, các dịch vụ vệ sinh, cây xanh, bảo vệ, bán lẻ…, hàng ngàn cổ đông và hàng chục ngàn khách hàng đang chờ mong nhận một mái nhà”.