Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những sự điều chỉnh trong xu thế toàn cầu hóa đến từ lỗ hổng của các mô hình sản xuất dựa trên chuỗi cung ứng toàn cầu có quy mô lớn và phức tạp.
Với việc bị phụ thuộc khá nhiều vào các nhà cung ứng trên phạm vi toàn cầu, và giải pháp thay thế cũng bị hạn chế, nhiều nhà sản xuất đang gặp khó khăn thực sự trong việc duy trì dòng chảy của chuỗi giá trị. Cuộc khủng hoảng từ dịch Covid-19 đã chứng minh rằng chuỗi cung ứng có thể đứt gãy bất cứ lúc nào, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc, vốn được biết đến như một trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài sản xuất các mặt hàng tiêu dùng phổ biến như điện thoại di động, hàng gia dụng, Trung Quốc còn là nhà cung cấp các thành phần chế biến dược phẩm lớn nhất thế giới. Do đó, dịch bệnh bùng phát từ quốc gia này đã làm gián đoạn nguồn cung sản xuất các sản phẩm y tế trên thế giới.
Hiển nhiên, các sắc lệnh phong tỏa và tạm đóng cửa kinh tế của Trung Quốc đã có ảnh hưởng đến sản xuất toàn cầu. May mắn thay, với triển vọng lạc quan khi dịch bệnh cơ bản đã được khống chế khiến quốc gia này đang dần trở lại nhịp sống bình thường, khắc phục được phần nào sự gián đoạn sản xuất. Tuy nhiên không có gì đảm bảo chắc chắn sự gián đoạn trong giai đoạn tới – nếu có thể xảy ra – sẽ không nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài hơn.
Một sự gián đoạn như vậy có thể đến từ một dịch bệnh hay thảm họa tự nhiên nào đó, ví dụ như dịch Covid-19, hoặc cũng có thể đến từ các quyết định chính trị.
Điều này thậm chí đã nhen nhóm ngay từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát khi Mỹ đã viện cớ về các mối lo ngại an ninh quốc gia để ngăn chặn sự mở rộng thị trường của gã khổng lồ viễn thông từ Trung Quốc là Huawei. Nhiều chính phủ các nước cũng đang tăng cường kiểm tra các khoản đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh các hoạt động chiến lược nhằm hồi hương các chuỗi cung ứng sản xuất.
Nhiều nhà hoạt động môi trường cũng đang kêu gọi đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tại mỗi địa phương. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu đã thải ra 796 triệu tấn CO2 vào năm 2012, số liệu được công bố bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
Đã có nhiều ý kiến ủng hộ việc áp dụng thuế biên giới trong phát thải khí CO2 để khắc phục một phần hiện tượng này. Cách tiếp cận này sẽ tăng cường khuyến khích việc chuyển đổi sản xuất hàng hóa về các địa phương, thay vì tập trung tại một quốc gia, lãnh thổ nào đó.
Tuy nhiên những sự điều chỉnh này cũng đem đến những rủi ro nghiêm trọng, từ chi phí sản xuất tăng vọt đến xung đột địa chính trị.
Sự gia tăng trong chi phí sản xuất là điều không thể tránh khỏi, bởi nhiều quốc gia đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và ít nhiều sẽ gây ra hiện tượng dư thừa. Điều này có thể không quá khó khăn với các nền kinh tế lớn nhưng với các nền kinh tế vừa và nhỏ sẽ phải chịu áp lực chi phí rất lớn. Các quốc gia cố gắng dự trữ nguồn cung hàng hóa quan trọng cũng sẽ gặp khó khăn về chi phí.
Những lo ngại về khí hậu và các khoản thuế, phí môi trường có thể làm căng thẳng thêm tình hình thương mại quốc tế, thể hiện rõ nhất qua các động thái trả đũa lẫn nhau. Viện lý do an ninh quốc gia để giảm thương mại và đầu tư nước ngoài có thể dẫn tới căng thẳng chính trị, kéo nhiều nền kinh tế đi vào suy thoái.
Cách tiếp cận giải pháp cho vấn đề này có thể đến từ các hình thức hợp tác đa phương mang tính tích cực. Ví dụ, một hệ thống cảnh báo sớm đại dịch nên được phát triển, với sự giám sát của WHO, cùng với các chính sách san sẻ chi phí, dự trữ thiết bị y tế…
Các cách thức triển khai cùng gói tài chính hỗ trợ trong việc phát triển vắc-xin cũng cần được thỏa thuận và cập nhật liên tục. Điều này sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc hơn để đối phó với dịch bệnh quy mô toàn cầu, thay vì cách đối phó mang tính cá nhân của mỗi quốc gia.
Trong lĩnh vực an ninh, các quốc gia nên đẩy mạnh hợp tác trên không gian mạng, quản trị dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật sinh học. Những thỏa thuận như vậy sẽ ngăn chặn một cuộc đua phát triển vũ khí dựa vào các công nghệ mới, đồng thời khuyến khích sự đổi mới giúp tăng phúc lợi và an ninh cho người dân.
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Carmen Reinhart nhận định rằng Covid-19 đang làm lộ rõ những bất ổn của xu thế toàn cầu hóa. Nhưng ở mức độ nào đó, điều này không tương đồng với một thảm họa về kinh tế. Với sự đổi mới liên tục và hợp tác hiệu quả, các chi phí có thể được hạn chế và nhiều lợi ích có thể được tối đa hóa.