Tin tức nổi cộm nhất gần đây về biến đổi khí hậu là thông tin dự báo những thành phố ven biển lớn sẽ "chìm trong biển nước" vào năm 2050. Báo cáo này - xuất hiện trên New York Times và nhiều cơ quan truyền thông khác - dựa trên một nghiên cứu tốt của các nhà khoa học tại Climate Central, nhưng họ đã hiểu sai câu chuyện.
Rõ ràng, biến đổi khí hậu là một vấn đề do con người tạo ra mà chúng ta cần phải giải quyết, nhưng nhiều câu chuyện bị thổi phồng đang khiến chúng ta sợ hãi mà không biện minh và đánh lừa chúng ta về cách hành động.
Bài báo, được công bố vào tháng trước trên tạp chí Nature Communications, cho thấy các ước tính trước đây về tác động của mực nước biển dâng là sai, bởi vì chúng dựa vào các phép đo tại mặt đất mà đôi khi nhầm lẫn với độ cao của cây hoặc nhà. Nói cách khác, nhân loại có thể dễ bị tổn thương đối với mực nước biển dâng.
Nhưng giới truyền thông đã sử dụng dự báo này để tạo ra một viễn cảnh đen tối của năm 2050. Các thời báo đăng tải một bản đồ đáng sợ cho thấy rằng miền Nam Việt Nam sẽ "biến mất" vì nó sẽ chìm "dưới nước khi thủy triều lên". Họ nói với độc giả, "hơn 20 triệu người ở Việt Nam, gần một phần tư dân số, sẽ sống trên vùng đất sẽ bị ngập lụt".
Tin tức này đã lan truyền rộng rãi. Bill McKibben, người sáng lập tổ chức môi trường 350.org, đã tweet rằng: "Thay đổi khí hậu đang thu hẹp hành tinh của chúng ta, theo cách đáng sợ nhất có thể".
Nhà khoa học về khí hậu Peter Kalmus cho biết ông từng lo ngại về việc bị gắn mác "người báo động", nhưng tin tức như thế này làm cho ông không thể không liên tiếng.
Điều mà các phương tiện truyền thông bỏ qua đề cập đến là tình hình ở miền Nam Việt Nam ngày nay thật ra vốn đã gần như giống hệt với tình hình dự kiến vào năm 2050. Người dân ở đồng bằng sông Cửu Long "sống chung với lũ" đúng theo nghĩa đen.
Khu vực này ngày càng đông đúc qua nhiều thế hệ vì nó vô cùng màu mỡ, và theo thời gian, người dân đã bảo vệ đất đai bằng đê điều. Ở phía nam tỉnh An Giang, hầu như tất cả các vùng đất không phải là miền núi đều được bảo vệ theo cách này. Trên thực tế, họ cũng sống chung với triều cường, giống như phần lớn Hà Lan: ở đó, những vùng đất rộng lớn, bao gồm Schiphol, một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới, hoàn toàn ngập nước biển khi thủy triều lên.
Ở London, gần một triệu người sống dưới mực nước triều cao. Nhưng không ai ở Hà Lan, London hay đồng bằng sông Cửu Long cần thiết bị lặn để đi lại, bởi vì nhân loại đã thích nghi với cơ sở hạ tầng cung cấp bảo vệ lũ lụt.
Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy 110 triệu người trên toàn thế giới thường xuyên trông trong tình trang ngập nước. Hầu hết mọi người trong số họ đều được bảo vệ tốt. Câu chuyện thực sự ở đây là sự khéo léo và thích nghi.
Đến năm 2050, các tác giả cho biết, hơn 40 triệu người sẽ sống dưới mức thủy triều cao, nâng tổng số người sống trong tình trạng ngập lụt trên toàn cầu lên 150 triệu.
Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã ước tính rằng tổng tác động của tất cả các tiêu cực từ sự nóng lên toàn cầu trong những năm 2070 sẽ tương đương với việc xã hội mất từ 0,2-2% thu nhập, tuy nhiên các dự báo khác của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy từ giờ đến lúc đó chúng ta "sẽ giàu hơn 300-500%". Vì vậy, việc có thêm 40 triệu người sống dưới mức triều cao không phải là không có khả năng giải quyết, chỉ cần chúng ta làm điều đúng đắn.
Tác giả của bài viết trên là Bjørn Lomborg, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh Copenhagen, là Giám đốc Trung tâm Đồng thuận Copenhagen. Các cuốn sách của ông bao gồm "Nhà môi trường học hoài nghi" , "Làm mát", "Cách chi 75 tỷ USD để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn", "Hướng dẫn của người đoạt giải Nobel về các mục tiêu thông minh nhất cho thế giới" và gần đây nhất là "Ưu tiên phát triển".
Năm 2004, ông được vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất của tạp chí Time vì nghiên cứu về những cách thông minh nhất để giúp đỡ thế giới.