Từ lâu, Ấn Độ được biết đến là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thường xuyên của thiên tai. Trong khi đó, Bangladesh với phần lớn người dân là người tị nạn và di cư, đã từng được tiểu thuyết gia người Anh Zia Haider Rahman ví trong cuốn tiểu thuyết đầu tay "In the Light of What We Know" như "chiếc rổ chứa đựng đau khổ". Nhưng đến nay, Bangladesh đang dần trở thành một mô hình phát triển nhanh chóng - một điều kỳ diệu trên khu vực sông Meghna.
Một trong những thành tựu của quốc gia này đó là mức sống trung bình của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Bangladesh dựa trên sức mua xấp xỉ bằng 1/2 của Pakistan vào năm 1987 và bằng 2/3 của Ấn Độ vào năm 2007. Nhưng đến năm 2020, số liệu này đã vượt xa so với quá khứ nhờ thành công trong việc trở thành một trong những nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn, chỉ sau Trung Quốc và Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Bangladesh đạt 24,83 tỷ USD. Cùng thời điểm đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam là 35,29 tỷ USD. Lý do cho sự chênh lệch này là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong khi hoạt động sản xuất ở cả Trung Quốc và Bangladesh bị đình trệ do diễn biến phức tạp của đại dịch thì ở Việt Nam, nhờ có các phương án kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh kịp thời mà các hoạt động sản xuất không vì thế mà bị ảnh hưởng. Kết quả, trong năm 2020, thị phần hàng dệt may của Việt Nam ở Mỹ đã chiếm trên 20%. Nhờ vậy, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Mỹ, vị trí mà Trung Quốc chiếm giữ trong nhiều năm.
Với Bangladesh, đáng chú ý hơn đó là sự cải thiện về các chỉ số xã hội như tuổi thọ, tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ và trẻ sơ sinh, khả năng sinh sản và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ. Trong quá khứ, Bangladesh là một nước rất nghèo và thiếu năng lực quản lý, dẫn đến việc cung cấp dịch vụ công bị ảnh hưởng, tạo ra khoảng trống để cho các cá nhân, tổ chức khác nắm lấy cơ hội. Sau đó, quốc gia này được tiếp cận với dòng vốn viện trợ nước ngoài khổng lồ, chiếm trung bình (tính theo giá trị ròng) 5% GDP trong 25 năm cho đến đầu những năm 2000.
Giới chuyên gia cho hay, Bangladesh có tỷ lệ thuế trên GDP tương đối thấp, dưới 10%. Điều này giúp Bangladesh đạt tốc độ phát triển nhanh hơn các nước láng giềng Nam Á như Pakistan hay Ấn Độ.
Đặc điểm nổi bật thứ hai trong quá trình phát triển của Bangladesh đó là hoạt động xuất khẩu. Thực tế, các nhà kinh tế học Rachel Heath và A. Mushfiq Mobarak nhấn mạnh, sự thành công trong lĩnh vực sản xuất đã góp phần đáng kể vào nền giáo dục, cũng như quyền phụ nữ Bangladesh. Điều nghịch lý ở đây đó là yếu tố ít được đánh giá cao này lại quyết định đến sự thành công của nền kinh tế.
Nghiên cứu của Arvin Subcramanian với Raghuram G. Rajan tại Đại học Chicago đã chỉ ra, trong lịch sử, các ngành xuất khẩu hoạt động tương đối kém tại các nước đang phát triển được nhận viện trợ. Điều này được ví như "lời nguyền viện trợ", cũng như tài nguyên thiên nhiên. Viện trợ nước ngoài có thể dẫn đến sự thay đổi mạnh tỷ giá hối đoái, khiến các ngành xuất khẩu rất khó cạnh tranh. Nhưng một lần nữa, Bangladesh đã đi ngược lại xu hướng này.
Các yếu tố khác có thể đã góp phần vào thành công trong xuất khẩu của Bangladesh bao gồm lao động dồi dào, chi phí lao động rẻ và khả năng tiếp cận ưu đãi thương mại với thị trường nước ngoài.
Tất nhiên, trong tương lai, Bangladesh sẽ phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Bangladesh có thể bị suy giảm do lượng tiền công tăng, các tiêu chuẩn và quy định lao động cũng sẽ tăng theo. Hệ quả là quốc gia này sẽ khó có khả năng tiếp cận các ưu đãi xuất khẩu tại các thị trường giàu có. Nhưng với mô hình phát triển kinh tế tiềm năng, Bangladesh vẫn sẽ là một quốc gia đáng để Ấn Độ và Pakistan học hỏi.