Những lĩnh vực từng phải đóng cửa vì chúng liên quan mật thiết đến sự tiếp xúc gần giữa người với người, bây giờ (hoặc sớm) sẽ mở cửa trở lại. Các doanh nghiệp sống sót sau khi đại dịch kết thúc sẽ mở rộng nhanh chóng, do nhu cầu bị dồn nén. Kinh tế thế giới, được dự đoán sẽ phục hồi vào năm 2022, hoặc có thể sớm hơn đối với một số nền kinh tế cụ thể, Project Syndicate nhận định.
Đối với các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và các hộ gia đình, câu hỏi chính là liệu chúng ta có quay lại mô hình tăng trưởng trước đại dịch hay không và ở mức độ nào. Liệu chúng ta vĩnh viễn chuyển sang các động lực tăng trưởng mới?
Trong khi có nhiều lĩnh vực còn bấp bênh, một số ngành dường như đã sẵn sàng cho một thời kỳ tăng trưởng phi thường. Cụ thể, đối với những ngành có sự kết hợp của công nghệ, vốn khả dụng từ các biện pháp trợ cấp, và nhu cầu cao về các giải pháp sáng tạo mới sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc đầu tư và khởi sự kinh doanh.
Trong số các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất, ba ứng cử viên hàng đầu là các ứng dụng công nghệ số vào nền kinh tế, khoa học y sinh (và các ứng dụng của nó trong chăm sóc sức khỏe và hơn thế nữa) và các công nghệ để giải quyết các thách thức khác nhau đối với tính bền vững, đặc biệt là gắn với biến đổi khí hậu.
Các lĩnh vực này vừa khác biệt, vừa chồng chéo, bởi vì chúng đề liên quan đến công nghệ. Cả ba đều được coi là những "vaccine" - cho các doanh nghiệp và cho toàn xã hội - trong kỷ nguyên mới. Trong cả ba lĩnh vực, nhiều năm nghiên cứu và đổi mới đã mang lại những công cụ và công nghệ phổ biến rộng rãi cho các doanh nhân và nhà đầu tư.
Đồng thời, các hệ sinh thái công nghệ-kinh doanh, từng chỉ tập trung ở một số nơi đã mở rộng ra toàn cầu trong đại dịch.
Các "kỳ lân" khởi nghiệp ngày càng xuất hiện dày đặc ở nhiều quốc gia phát triển và thu nhập trung bình. Điều này, một phần là do các chính phủ đã nhận ra cơ hội và hỗ trợ hợp lý. Các chương trình hỗ trợ trong đại dịch đã tích cực hơn nhiều so với trước đây. Các cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng (bao gồm kỹ thuật số), khoa học và công nghệ đang được mở rộng, không chỉ ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà còn ở châu Âu.
Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách dường như hiểu rằng, nhu cầu thiếu hụt có những tác động tiêu cực không chỉ đến việc làm mà còn đối với công nghệ mới. Đặc biệt quan trọng là cần ứng dụng công nghệ số vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các lĩnh vực bị tụt hậu. Một nghiên cứu gần đây của McKinsey Global Institute đưa ra, chuyển đổi số có thể có tác động lớn đến mức nâng cao đáng kể mức tăng trưởng năng suất tổng thể.