Trong các giai đoạn chuyển dịch công nghệ trước của thế giới, các nhà kinh tế như John Maynard Keynes và Wassily Leontief lo lắng rằng, việc làm mới được tạo ra bởi công nghệ là quá ít, không đủ để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp dài hạn. Ngày nay, đối mặt với làn sóng tự động hóa, nhiều người cũng đồng tình với mối lo đó.
Tác động của công nghệ số với thị trường lao động đặt ra ba câu hỏi.
1. Có đủ việc làm cho người lao động không?
2. Những công việc này sẽ ở lĩnh vực nào?
3. Lợi ích có đủ cao để không làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng?
Trả lời câu hỏi thứ nhất, thách thức mà các công nghệ mới đặt ra không phải là chúng tạo ra quá ít việc làm, mà là có quá ít công nhân có đủ kỹ năng để làm chúng. Chuyển đổi việc làm theo ngành sẽ dễ dàng hơn khi hệ thống giáo dục đào tạo nhiều kỹ năng tổng hợp, thay vì khuyến khích chuyên môn hóa từ khi còn nhỏ.
Câu hỏi thứ hai thì sao? Sẽ xảy ra hai quá trình đồng thời: một số công việc sẽ được hưởng lợi từ các công nghệ mới, trong khi những công việc khác trở nên lỗi thời. Ví dụ, ô tô đã tăng giá trị của các kỹ năng kỹ thuật và giảm giá trị của các kỹ năng chăn nuôi ngựa. Các nhà lai tạo ngựa đã phải học các kỹ năng mới để duy trì thu nhập của họ. Một lựa chọn tốt cho họ sẽ là chuyển sang các ngành sản xuất hoặc bảo trì xe.
Các công việc bị đe dọa hàng đầu của robot và trí tuệ nhân tạo là những công việc thường xuyên hoặc dựa vào xử lý dữ liệu, hay những công việc có thể dễ dàng được cơ giới hóa.
Những đặc tính này đã dẫn đến sự phân cực của việc làm, buộc người lao động chuyển sang các công việc phù hợp với các công nghệ mới, như lập trình máy tính hoặc robot, hoặc các công việc khó bị máy móc thay thế hơn, như tư vấn quản lý hoặc chăm sóc điều dưỡng. Sẽ có những công việc có nhiều kỹ năng và được trả lương cao hơn so với các công việc thông thường, trong khi một số khác thì ít kỹ năng và được trả lương thấp hơn, dẫn đến sự chênh lệch giữa phân phối thu nhập.
Câu hỏi thứ ba, về bất bình đẳng, khó giải quyết hơn. Những người thành công trong việc tận dụng lợi thế của họ sẽ có thu nhập cao hơn phần còn lại của lực lượng lao động.Tuy nhiên, một số người trở nên rất giàu có thì không phải vấn đề nghiêm trọng, mà là liệu tiền lương của những người có kỹ năng thấp hơn có đủ để họ tránh cảnh nghèo đói hay không.
Điều này phụ thuộc một phần vào chính sách của các công ty. Họ có thể sử dụng công nghệ để thay thế lao động và giảm tiền lương khi cầu lao động giảm, hoặc sử dụng công nghệ vì lợi ích của người lao động nhằm mang lại lợi nhuận dài hạn. Trong trường hợp thứ hai, phúc lợi của người lao động được hưởng lợi nhiều hơn từ công nghệ mới, không nhất thiết chỉ vì mức lương cao hơn mà còn thông qua các điều kiện sống và làm việc tốt hơn.
Nếu các công nghệ mới làm tăng bất bình đẳng kinh tế, nhưng không làm tăng nghèo, một số xã hội sẽ chấp nhận điều đó. Chẳng hạn, sự ác cảm đối với bất bình đẳng ở các nước châu Âu cao hơn ở Hoa Kỳ, họ đưa ra một loạt các chương trình phân phối lại thu nhập để ngăn bất bình đẳng xảy ra.