Theo báo cáo của cập nhật ngành điện của công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), số liệu từ EVN cho biết, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 7 đạt 24,55 tỷ kWh, lũy kế 7 tháng đạt 158,02 tỷ kWh, tăng 4,2% cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng có sự sụt giảm lên đến khoảng 17% cùng kỳ vì gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn cung than nhập khẩu khiến giá than thế giới tăng cao. Trong khi đó, nhờ tình hình thủy văn thuận lợi, thủy điện được hưởng lợi và đóng góp tỷ trọng là 33,4% vào tổng sản lượng điện sản xuất trong 7 tháng đầu năm 2022.
Nguồn: PSI Research
Theo PSI, trong 7 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp đã tiếp tục phục hồi tốt, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP đang có xu hướng tăng, kéo theo đó là sự tăng trưởng trở lại của nhu cầu tiêu thụ điện. Chỉ số PMI của Việt Nam đã có tháng thứ 10 liên tiếp đạt trên ngưỡng 50 điểm, dòng vốn giải ngân FDI tại các khu vực sản xuất tăng trưởng tốt. Các khu công nghiệp tại các thành phố lớn như Tp.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Phòng,…có tỷ lệ lấp đầy nhanh. Đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ điện ở lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới.
Nguồn: PSI Research
Chuyên gia PSI dự báo mức tăng trưởng tiêu thụ điện năm 2022 sẽ là khoảng 8,2% dựa trên dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 là 6,5%.
Nhiêt điện đối mặt với nhiều khó khăn
Dù nhu cầu điện tăng cao nhưng PSI dự đoán nhiệt điện vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh giá dầu thế giới vẫn neo cao kéo theo đó là giá khí cung cấp cho các nhà máy cũng tăng đến gần 33% so với cùng kỳ, khiến cho giá bán điện của nhiệt điện khí tăng cao đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của các nhà máy điện khí. Từ đầu tháng 5/2022, điện khí không còn được huy động nhiều nên tổng sản lượng điện khí được huy động đạt 15.22 tỷ kWh, giảm 2,8% so với cùng kỳ 2021.
Trong giai đoạn cuối năm 2022, PSI cho rằng nhiệt điện khí sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể bị giảm huy động do nhiệt điện than có thể được huy động nhiều hơn khi hiện tượng thiếu hụt than đã được khắc phục. Bên cạnh đó, tình hình thủy văn thuận lợi sẽ giúp thủy điện được ưu tiên huy động trong thời gian tới, nhờ giá bán rẻ hơn so các nguồn điện khác.
Nguồn: PSI Research
Còn nhiệt điện than được huy động 63.94 tỷ kWh tính từ đầu năm 2022, chiếm 42% tổng sản lượng huy động nhưng giảm 10% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do thiếu than trong 4 tháng đầu năm và các nguồn điện khác dồi dào hơn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng điện đầu ra và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiệt điện than.
Nguồn: PSI Research
Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn than nhập khẩu đã được khắc phục khi sản lượng than nhập khẩu tăng trở lại từ tháng 5 trong bối cảnh giá than thế giới giảm nhẹ. PSI cho rằng trong giai đoạn nửa cuối năm 2022, sản lượng điện than huy động sẽ tăng nhẹ so với nửa đầu năm.
Thủy điện chiếm ưu thế
Trong khi nhiệt điện gặp khó khăn, thủy điện nhanh chóng vươn lên. Trong 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy điện được huy động đạt khoảng 52.58 tỷ kWh (+37.3%), chiếm 33.4% tổng sản lượng điện toàn hệ thống. Theo dự báo của IRI và Trung tâm khí tượng thủy văn, các đợt nắng nóng trong năm nay sẽ giảm bớt và hiện tượng La Nina có thể kéo dài đến hết năm 2022 nên thủy điện có thể sẽ được huy động tối đa sản lượng.
Nguồn: PSI Research
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn, các hồ chứa thuỷ lợi vừa và lớn tại các tỉnh ở Trung Bộ và Nam Bộ dung tích bình quân đạt từ 50-80% dung tích thiết kế. Thêm vào đó, từ tháng 9 đến hết năm 2022, tổng lượng mưa tại các khu vực Trung Bộ, Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 20%-50% (xác suất hơn 60%). Nên PSI cho rằng các doanh nghiệp thủy điện tại khu vực này sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới.
Năng lượng tái tạo sẽ duy trì được sản lượng huy động
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện năng lượng tái tạo được EVN huy động là khoảng 22.06 tỷ kWh, đứng thứ 3 trong số các nguồn điện huy động, chiếm 14% (+3%) trong tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. PSI dự đoán trong giai đoạn cuối năm, sản lượng điện gió sẽ tăng trở lại do có lượng gió đều hơn nhờ hiện tượng gió Tây Nam trong quý 3 và gió mùa Đông Bắc trong quý 4. Ngược lại, sản lượng điện mặt trời có thể giảm nhẹ so với giai đoạn nửa đầu năm 2022.
Nguồn: PSI Research
Nguồn: PSI Research
Đối với những dự án điện NLTT chưa kịp COD đúng hạn, chuyên gia PSI nhận định các dự án này sẽ sử dụng cơ chế đấu thầu cạnh tranh hoặc sẽ có sự điều chỉnh giảm về giá FiT.