Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Dầu khí (PSI) đã đưa ra những đánh giá tích cực với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM) trong bối cảnh giá phân bón tăng mạnh và tình hình thủy văn thuận lợi sẽ giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp phục hồi trở lại.
Theo Bloomberg Intellingence, nhu cầu mạnh mẽ từ hoạt động nông nghiệp năm 2021 từ Brazil và Ấn Độ để trồng ngô và đậu tương đã khiến giá Urea trên thị trường thế giới tăng mạnh. Tại ngày 28/2 theo dữ liệu từ Bloomberg, giá Urea giao ngay trên thị trường Trung Quốc đạt 365 USD/tấn (+25,86% từ đầu năm). Giá phân bón nhập khẩu vào Việt Nam như phân DAP nhập khẩu từ giá 13,000 đồng/kg hồi đầu năm, hiện đã tăng lên 15.500 đồng/kg, mức tăng 19%. Phân Kali Uzabekistan tăng từ 5.700 đồng/kg từ đầu năm lên 6.450 đồng/kg trong tháng 03, mức tăng hơn 13%.
Bên cạnh xu hướng tăng giá chung của phân bón thế giới, giá phân bón nội địa cũng đang hồi phục mạnh mẽ nhờ kỳ vọng hoạt động sản xuất nông nghiệp hồi phục. Hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan trong năm 2020 dự báo sẽ được cải thiện đáng kể trong năm 2021. Các tháng đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cũng là biểu hiện của hình thái La Nina. Hiện tượng La Nina còn duy trì từ nay đến nửa đầu năm 2021, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào mùa hè năm 2021. Trong giai đoạn nửa đầu năm tới, khí hậu khô diễn ra hầu hết tại các vùng miền trên cả nước, tuy nhiên hiện tượng hạn hán và xâm ngập mặn sẽ được giảm thiểu tác động từ các đợt mưa lớn. Nửa cuối năm, tình hình thời tiết thuận lợi cho canh tác nông nghiệp phát triển.
Tính đến đầu tháng 3/2021 Giá phân bón Ure giao dịch tại thị trường TP. Hồ Chí Minh tăng gần 43%, từ mức giá thấp nhất quanh 6.300 đồng/kg hồi Quý 3 năm 2020 lên hơn 9.000 đồng/kg. Đây là giá các nhà máy sản xuất và nhà nhập khẩu chào bán với các đại lý phân bón tại khu vực phía Nam. Như vậy, giá phân Ure đến tay nông dân sẽ trên 10.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đạm Phú Mỹ (DPM) có thể lãi gần 800 tỷ đồng năm 2021
Năm 2020, Tổng công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - mã DPM) có doanh thu gần như đi ngang với 7.762 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế bất ngờ tăng đến 81%, lên trên 703 tỷ đồng nhờ tỷ trọng giá vốn giảm và gia tăng doanh thu tài chính. Đạm Phú Mỹ cho biết trong năm 2020, công ty đã xuất khẩu 71.000 tấn Đạm Phú Mỹ sang thị trường Ấn Độ, mở ra một hướng đi mới cho thương hiệu Phân bón Phú Mỹ tại thị trường đầy tiềm năng này.
Riêng trong Quý 4, DPM vẫn duy trì mức sản xuất trên 200 nghìn tấn, tuy nhiên sản lượng tiêu thụ sụt giảm 32%. Cộng thêm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng gấp rưỡi khiến biên lợi nhuận thu hẹp đáng kể. DPM ghi nhận một khoản doanh thu đột biến trong Quý 4, tương đương 87,8 tỷ đồng từ bảo hiểm. Trong năm 2019, DPM tiến hành bảo trì hệ thống máy móc trong 72 ngày. Tổng số tiền bảo hiểm DPM được nhận do gián đoạn sản xuất và bồi thường cho thiết bị ước tính khoảng 200 tỷ đồng. Kỳ vọng DPM sẽ tiếp tục ghi nhận khoản thu nhập khác khoảng 112,2 tỷ đồng trong năm 2021.
PSI dự báo năm 2021 DPM đạt doanh thu thuần 8.546 tỷ đồng (+10,10% YoY) và LNST 790 tỷ đồng (+12,37% YoY), tương đương EPS 2.019 đồng. Dự báo trên được PSI dựa trên các giả định (i) Sản lượng tiêu thụ phân bón Urea, NPK và NH3 ước tính tiếp tục tăng nhờ nhu cầu phân bón hồi phục (ii) Giá bán phân bón cũng hồi phục do nhu cầu tăng cao, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp giữ ổn định do giá dầu biến động cùng chiều. Theo giả định của PSI, giá dầu Brent trung bình trong 2021 đạt 60 USD/thùng tuy nhiên giá bán Urea và NPK tăng mạnh sẽ bù đắp chi phí tăng do giá dầu.
PSI cũng lưu ý rủi ro chính của DPM bị phụ thuộc sản lượng khí đầu vào tại Bể Cửu Long và Nam Côn Sơn. Ngoài ra hợp đồng mua bán khí của DPM được tính = 46% MFP + Tariff vận chuyển do đó việc sụt giảm nguồn khí tại các mỏ khí gần bờ sẽ khiến DPM phải huy động thêm nguồn khí tại các mỏ xa hơn tại bể Cửu Long và Nam Côn Sơn có chi phí thu gom và vận chuyển cao hơn. Tuy nhiên, PSI cho rằng rủi ro này không quá lớn do DPM vẫn sẽ tiếp tục huy động được nguồn khí đâu vào từ mỏ Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi với tỷ lệ khoảng 40% cơ cấu nguồn khí huy động trong năm nay