Những tưởng bán hàng hiệu, hàng xa xỉ trong giai đoạn ba năm vừa qua sẽ rất khó khăn, nhưng đế chế hàng hiệu của gia đình ông Jonathan Hạnh Nguyễn lại cho thấy điều ngược lại.
Năm 2022, doanh số của mảng thời trang IPPG Fashion (thuộc tập đoàn Liên Thái Bình Dương - Imex Pan Pacific Group - IPPG) đã tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2021; từ 3.139 tỷ đồng năm 2021 lên 5.132 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng lên tới 64%.
Cùng với đó, lợi nhuận trước thuế tăng 11 lần, từ 39 tỷ đồng lên 432 tỷ đồng.
Đây quả là mức tăng trưởng đáng mơ ước với nhiều doanh nghiệp, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, trong điều kiện diễn biến dịch Covid nửa đầu năm 2022 còn phức tạp, và nửa năm sau phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế.
IPPG Fashion bao gồm những công ty chuyên kinh doanh bán lẻ thời trang cao cấp như Công ty CP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh ( DAFC - công ty do Tiên Nguyễn phụ trách) và Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu ( ACFC - công ty do Louis Nguyễn phụ trách).
DAFC là nhà phân phối chính thức của hơn 60 thương hiệu hàng đầu thế giới, với hệ thống hơn 50 cửa hàng và 1.000 nhân viên. Có thể kể đến một số thương hiệu như Rolex, Cartier, Tiffany & Co., Burberry, Dolce & Gabbana, Versace, Montblanc...
Trong khi đó, ACFC đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế với phân khúc thời trang trung cấp, là đại diện phân phối độc quyền 25 thương hiệu thời trang trung cấp thịnh hành thế giới tại Việt Nam. ACFC có hơn 220 cửa hàng trên toàn quốc, phân phối độc quyền các thương hiệu như Nike, Mango, Levi's, Calvin Klein, Cotton On, Banana Republic, Gap,...
Gian hàng của Calvin Klein tại Việt Nam
Thành tích của IPPG không phải một cuộc lội ngược dòng gay cấn vào những tháng cuối năm. Trước đó, trong nửa đầu năm 2022, ACFC và DAFC đã đạt doanh thu hơn 2.564 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ và đạt lợi nhuận 386 tỷ đồng.
Bí quyết của việc này được chủ tịch IPPG - ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ trong chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 67 chủ đề "Gặp mặt đầu năm - Dự báo kinh tế Việt Nam và TP HCM năm 2023":
" Trong cái khó ló cái khôn, trong cái rủi có cái may. Chẳng hạn công ty tôi, dịch COVID-19 khiến việc đi lại khó khăn, kinh tế kiệt quệ... nhiều người nghĩ ngành hàng thời trang cao cấp sẽ không sống nổi nhưng thực tế 3 năm qua, doanh thu của chúng tôi liên tục tăng trưởng.
Giới mê hàng hiệu Việt Nam không được đi Singapore, Hồng Kông, Milan... săn đồ hiệu, chúng tôi tiếp cận tệp khách hàng này bằng cách gửi hình ảnh sản phẩm cho họ xem, gửi mẫu trực tiếp đến cho họ thử... Kết quả là doanh số bán hàng tăng vọt so với trước đây ", "Vua hàng hiệu" nói.
Hoạt động bán hàng trực tiếp mà "vua hàng hiệu" đề cập chính là một hình thức Push sales, nhằm đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) phát biểu tại chương trình Cà phê doanh nhân HUBA ngày 24-2. Ảnh: Người lao động
Bên cạnh đó, việc hạn chế hoặc gặp khó khăn hơn khi di chuyển sang nước ngoài cũng đã khiến khách nội địa sử dụng sản phẩm, dịch vụ ở Việt Nam nhiều hơn trong giai đoạn ba năm vừa qua. Có thể kể đến ví dụ điển hình trong ngành du lịch. Năm 2022, khách du lịch nội địa tăng đột biến và đạt mốc kỷ lục 96,3 triệu lượt du khách, cao hơn 13% so với thời điểm trước Covid.
Một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh công bố tại Hội nghị gặp gỡ lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức vào sáng 17/02/2023 thì cứ năm doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh lại có một doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng trong năm 2022.
Như vậy, trong bức tranh kinh tế khó khăn chung, vẫn có những doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, thích ứng để phát triển, như ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định "trong cái khó ló cái khôn, trong cái rủi có cái may".
Với IPPG, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết thêm việc kinh doanh đã được giao cho thế hệ kế thừa. Thế hệ này thông minh hơn, nhanh nhạy hơn, nắm bắt và ứng dụng các xu hướng kinh doanh hiện đại tốt hơn nên việc kinh doanh hiệu quả hơn.
Bàn về giải pháp hỗ trợ DN phát triển trong năm 2023, tỷ phú hàng hiệu Việt Nam cho rằng khách hàng lớn nhất, tiêu thụ nhiều nhất thế giới chính là các tập đoàn phân phối bán lẻ. Vẫn còn rất nhiều tập đoàn chưa vào Việt Nam. Vì vậy, trong kế hoạch tổ chức hội chợ triển lãm sắp tới, HUBA cần có cách làm đột phá và chuẩn bị kỹ để mời các tập đoàn phân phối lớn đến tham quan, tìm hiểu hàng hoá của nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Từ đó, kết nối cơ hội làm ăn quốc tế với những nhà kinh doanh lớn cho các nhà sản xuất trong nước.
"Quan trọng là có thị trường, có khách hàng thì chúng ta sẽ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. HUBA phải hỗ trợ tìm thị trường cho DN", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.