KrisEnergy là đối tác của chính phủ Campuchia để phát triển các giếng dầu tại lô A, mỏ Apsara, trên vịnh Thái Lan. KrisEnergy chiếm 95% cổ phần và chính phủ Campuchia nắm giữ 5% tại dự án.
Vào tháng 10/2020, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD ) đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan tự nâng PV Drilling III cho KrisEnergy (Apsara) Company Limited (KrisEnergy) để khoan 5 giếng phát triển tại khu vực Lô A, ngoài khơi Campuchia.
Ngày 15/10/2020, giàn khoan PV Drilling III xuất phát từ Vũng Tàu và đã đến khu vực giàn đầu giếng (mini platform) tại lô A, Campuchia vào ngày 21/10/2020. Theo kế hoạch, PV Drilling III dự kiến sẽ hoàn thành 5 giếng khoan phát triển cho KrisEnergy vào tháng 1. Đây là hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan đầu tiên của PV Drilling tại Campuchia.
Báo cáo tài chính kiểm toán 2020 của PV Drilling ghi nhận khoản công nợ 114 tỷ đồng với KrisEnergy, chiếm 13,2% khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp; đầu năm 2020 không có khoản công nợ này. Tính đến 31/3, khoản công nợ với KrisEnergy giảm còn 107,3 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý I của PV Drilling.
Như vậy, khi đối tác nộp đơn phá sản nhiều khả năng PV Drilling sẽ phải tiến hành trích lập khoản công nợ tương tự như nhiều doanh nghiệp khác đã làm khi gặp tình huống tương tự.
Vào giữa năm 2020, công ty mẹ New York & Co. – Tập đoàn RTW Retailwinds - một trong ba khách hàng truyền thống của May Sông Hồng ( HoSE: MSH ) nộp đơn phá sản. Sau đó, doanh nghiệp này đã phải trích lập 186 tỷ đồng cho khoản phải thu hơn 218 tỷ đồng tại New York & Co..
Vào năm 2018, Dệt may Thành Công ( HoSE: TCM ) cũng kẹt khoản phải thu hơn 100 tỷ đồng sau khi hãng bán lẻ Sears Holdings của Mỹ phá sản. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa thu lại được tiền và đã trích lập gần 100 tỷ đồng cho khoản phải thu này.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, đại diện PV Drilling cho biết hợp đồng doanh nghiệp ký với pháp nhân khác là KrisEnergy Cambodia, liên doanh giữa KrisEnergy Singapore và chính phủ Campuchia. Tính đến hiện tại, các hóa đơn giữa 2 bên vẫn còn trong hạn thanh toán và doanh nghiệp đã thu hồi phần lớn doanh thu hợp đồng. PV Drilling vẫn đang tiếp tục nhắc nợ các khoản còn lại vừa phát hóa đơn. Đồng thời, 2 bên vẫn liên tục trao đổi để xử lý, đối tác cũng rất tích cực trong quá trình làm việc dù điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo tài liệu họp ĐHĐCD thường niên 2021, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng kinh tế toàn cầu dự báo diễn biến phức tạp khó lường trước khả năng kiểm soát dịch bệnh còn chưa chắc chắn và phụ thuộc vào chương trình tiêm chủng vaccine. Theo đó, nhiều chuyên gia đánh giá kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm trong 2 quý đầu năm 2021 và tích cực chỉ rõ nét hơn vào 2022.
Bởi vậy, ngành công nghiệp dầu khí còn nhiều tiềm ẩn rủi ro, thách thức, nhu cầu dầu thô năm nay được dự báo tăng trở lại nhưng vẫn ở mức thấp so với trước đại dịch do nhu cầu phục hồi chậm.
Lãnh đạo PV Drilling cho biết khối lượng công việc và đơn giá dịch vụ chưa được cải thiện. Dù vậy, ban lãnh đạo vẫn đặt mục tiêu doanh thu 4.400 tỷ đồng và nỗ lực có lãi 25 tỷ đồng. Giải pháp thực hiện được ban lãnh đạo đưa ra là tăng cường tìm kiếm việc làm, nỗ lực thu hồi công nợ và kiểm soát cắt giảm chi phí.
Quý I, PV Drilling báo cáo doanh thu thuần giảm từ 1.675 tỷ đồng về 550 tỷ đồng, lỗ ròng 104 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 8 tỷ đồng.
Năm vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 5.228 tỷ đồng, tăng 21%; lãi sau thuế 184 tỷ đồng, tăng 7%.
Đơn vị: tỷ đồng |