Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã CK: PVD) đã công bố BCTC quý 1/2018 với kết quả kinh doanh thua lỗ.
Theo đó mặc dù doanh thu thuần đạt 1.105,7 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ nhưng giá vốn lại lên tới 1.150,3 tỷ đồng nên PVD chịu lỗ gộp 44,56 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 7,8 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí và chịu thêm hơn 4 tỷ đồng lỗ từ hoạt động liên doanh liên kết nên kết quả PVD lỗ ròng 253 tỷ đồng trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ là 239 tỷ đồng trong khi đó cùng kỳ PVD cũng lỗ gần 201 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty trong kỳ công ty đã tăng số lượng giàn khoan tự nâng hoạt động (2,8 giàn so với 1,4 giàn) tuy nhiên, do đơn giá thấp và chi phí cố định cao (lãi vay libor tăng hơn 1,5% so với cùng kỳ, khấu hao tăng trong khi giàn khoan hoạt động nhiều hơn) dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm. Bên cạnh đó đơn giá các dịch vụ liên quan đến khoan trong Q1/2018 tiếp tục giảm sút do cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Được biết năm 2018, PVD dự kiến doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, nhưng để có lợi nhuận trong thời điểm này thực sự khó khăn do đó PVD chỉ đặt mục tiêu không lỗ trong năm 2018. Việc PVD đặt mục tiêu không lãi của PVD căn cứ tình hình khó khăn của ngành cũng như thực tế hơn 90% nhà thầu khoan trên thế giới không có lãi, 10% công ty đã phá sản hoặc bị mua lại,…Dự báo năm 2018, giá dầu Brent dự kiến dao động 55-60 USD/thùng, dù cải thiện, nhưng nhìn chung thị trường dầu khí trong nước vẫn chưa tốt, một số chương trình khoan bị tạm dừng.
Đồng thời, số lượng giàn khoan cung cấp vẫn vượt nhu cầu sử dụng, theo đó giá thuê dịch vụ sẽ tiếp tục ở mức thấp. PVD dự báo giá thuê trung bình 55.000-60.000 USD/ngày. Ở mức này, PVD vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, bao gồm cả chi phí khấu hao. Bên cạnh đó, trong năm số lượng giàn khoan tự nâng hoạt động trung bình dự kiến 2,5 giàn và giàn TAD PV Drilling V tiếp tục chưa có việc.