Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, GAS) vừa tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 đồng thời lên kế hoạch cho năm 2020.
Trong đó năm 2019, các chỉ tiêu tài chính hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 20 - 56%. Doanh thu Tổng Công ty đạt 76.558 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 13.945 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 11.165 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty đóng góp ngân sách Nhà nước và PVN 5.242 tỷ đồng.
Năm qua, GAS đã vận hành an toàn hệ thống khí; vượt kế hoạch sản lượng từ 6 - 44% (sản xuất và cung cấp trên 9.947,6 triệu m3 khí; 1.758 ngàn tấn LPG; 65,7 ngàn tấn condensate). Trong đó, sản lượng LPG kinh doanh về đích trước kế hoạch 3 tháng. Tổng Công ty cũng tiếp tục cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 30% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng trên 60% thị phần LPG cả nước.
Về công tác đầu tư xây dựng, trong năm 2019 công ty mẹ GAS triển khai 22 dự án với vốn giải ngân 3.332 tỷ đồng (toàn PV GAS triển khai 53 dự án/đầu việc). Tổng giá trị giải ngân tương ứng của công ty mẹ là 3.668 tỷ đồng,; toàn hệ thống GAS giải ngân 3.935 tỷ đồng.
Năm 2019 Tổng Công ty cũng đã ký thỏa thuận khung (HOA) mua bán khí LNG nhập khẩu cấp cho các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 tháng 1/2019; làm việc với PV Power về hợp đồng mua bán LNG cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4; Chuẩn bị đàm phán HOA mua bán khí với các chủ mỏ khí Tuna – Indonesia; Đàm phán thỏa thuận khung hợp đồng mua bán khí Sư Tử Trắng giữa PVN và các Chủ mỏ; Làm việc với các bên liên quan về hợp đồng đấu nối và vận hành (TOSA) dự án đường ống dẫn khí Lô B; Làm việc với các đối tác: Petronas, Total, AGDC, Woodside, EDF, ENI chuẩn bị cho công tác thu xếp nguồn cung LNG cho các dự án nhập khẩu LNG do PV GAS làm chủ đầu tư.
Lên kế hoạch cho năm 2020, GAS đặt mục tiêu sản lượng 9.760 triệu m3 khí, 55,1 nghìn tấn condensate, 1.300 nghìn tấn LPG. Tổng doanh thu mục tiêu đạt 66.164 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.294 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.636 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo, những khó khăn, thách thức phải đối mặt trong năm tiếp theo gồm: Các nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, nguồn khí mới LNG bổ sung chưa kịp thời; các sự cố thiết bị gây gián đoạn cấp khí/dừng cấp khí của phía thượng nguồn ngày một tăng làm tăng chi phí bảo dưỡng sửa chữa; cơ chế chính sách có nhiều thay đổi…