SSI Research vừa công bố Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tháng 9/2018, trong đó nhấn mạnh việc VN-Index quay lại ngưỡng 1.000 điểm. Theo đơn vị này, mặc dù nhiều yếu tố được cho là tiêu cực như kỳ cơ cấu danh mục ETF, FED nâng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng đã không ngăn được đà tăng của VN-Index trong tháng 9. Chỉ số điều chỉnh ở giai đoạn đầu tháng trước khi hồi phục và vượt mốc 1.000 điểm trong phiên 20/9 – đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1, VN-Index quay lại vùng giá này.
Trong đó, hai cổ phiếu có đóng góp lớn nhất cho đà tăng của VN-Index là GAS (PV GAS) và VNM (Vinamilk). GAS tăng 12,33% MoM, đóng góp 27,7 điểm tăng cho VN-Index. Giá dầu thô tăng mạnh gia tăng kỳ vọng của giới đầu tư về GAS vì kết quả kinh doanh của GAS tỷ lệ thuận với biến động giá dầu thô. Giá dầu Brent tăng 1 USD thì lãi trước thuế của GAS có thể tăng 150 tỷ đồng.
Còn VNM tăng 6.5% MoM, đóng góp 14,13 điểm tăng cho VN-Index. Hiện, thị trường kỳ vọng vào biên lãi gộp 6 tháng cuối năm của VNM có thể cải thiện nhờ nguyên liệu đầu vào giảm giá.
Về giá trị giao dịch, sàn HoSE tháng 9 đạt 4.707 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,9% và 12,9% so với tháng 8 và tháng 7. Mặc dù vậy, nếu tính chung quý 3, thanh khoản sàn HoSE chỉ đạt 4.310 tỷ đồng, giảm 31,1% so với quý 2. VN-Index điều chỉnh mạnh trong thời gian trước đó khiến nhiều nhà đầu tư trở nên thận trọng và hạn chế tham gia thị trường, SSI Research nhận định.
Một điểm đáng chú ý, tháng 9 kết thúc với thông tin FTSE Russell chính thức đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi bậc 2. Đây là một thông tin tích cực và thực tế trong 2 tháng qua những thông tin liên quan đến nâng hạng luôn được thị trường hào hứng đón nhận. Hiện tại thị trường Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 9 yêu cầu của FTSE Russell và cần ít nhất 1 năm xem xét để chính thức đưa vào nhóm thị trường mới nổi. Tuy vậy chặng đường phía trước sẽ không đơn giản và 1 năm có lẽ vẫn là khoảng thời gian quá ngắn cho Việt nam.
Tựu trung lại, VN-Index hồi phục kéo theo mức định giá của thị trường. Chốt phiên cuối tháng 9, P/E của VN-Index đạt mức 18,3 lần, tăng 6,63% kể từ đầu quý 3. Đây cũng là xu hướng chung của các chỉ số trong khu vực như Thái Lan và Malaysia. Đáng chú ý, P/E của thị trường Trung Quốc đang rơi về vùng thấp nhất trong năm 2018. Ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ khiến cho Shanghai Composite giảm hơn 20% kể từ mức đỉnh được thiết lập trong năm 2018.
Hòa Phát đứng đầu danh sách mua ròng
Tính riêng kênh khớp lệnh, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 294 tỷ đồng – đây là đợt mua ròng đầu tiên của nhóm này kể từ tháng 1/2018. Hòa Phát (HPG) đứng đầu trong top mua ròng của khối ngoại, với giá trị 359,2 tỷ đồng. Tăng trưởng 6 tháng cuối năm của Hòa Phát dự kiến cao hơn so với nửa đầu năm nhờ vận hành trở lại lò cao thứ hai sau thời gian bảo trì và nhà máy cán Dung Quất bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2018.
Trong khi đó, Novaland (NVL) và Masan (MSN) đứng đầu danh sách bán ròng, giao dịch chủ yếu được thực hiện thông qua phiên tái cơ cấu của ETF trong ngày 21/9. Giá trị bán ròng lần lượt là 264,7 tỷ đồng và 187,4 tỷ đồng.
Tính chung quý 3, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng trên HoSE với giá trị 3,2 nghìn tỷ đồng (tính theo cả 2 kênh khớp lệnh và thỏa thuận). Tinh từ đầu năm, nếu loại trừ giao dịch đột biến tại VinHomes (VHM) trong quý 2 và VincomRetail (VRE) trong quý 1, khối ngoại bán ròng hơn 2 nghìn tỷ đồng. Nhóm Vingroup đứng đầu trong danh sách bán ròng quý 3 với VIC (bán 3.312 tỷ đồng) và VHM (bán 1.030 tỷ đồng) tuy nhiên giá cổ phiếu VIC và VHM đều không biến động đáng kể nếu so với thời điểm đầu quý.
Dệt may thu hút dòng tiền
Vốn hóa của nhóm ngành dệt may này tăng thêm 21% chỉ riêng trong tháng 9. Ngành dệt may đang được hưởng lợi từ tăng trưởng số lượng đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu. Một ví dụ là Thành Công (TCM). Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu kỷ lục trong tháng 8 với giá trị 19,75 triệu USD, trong khi mức doanh thu bình quân hàng tháng của đơn vị này là 14-15 triệu. Nhờ vậy, TCM ghi nhận lãi sau thuế 8 tháng ở mức 7,9 triệu USD, hoàn thành 98% kế hoạch năm.
Tăng trưởng đơn hàng của ngành dệt may được giải thích nhờ vào hai yếu tố:
(1) Thứ nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hoa Kỳ áp thuế suất 10% đối với nhiều sản phẩm dệt may từ Trung Quốc khiến nhiều khách hàng Hoa Kỳ có xu hướng chuyển sang sử dụng hàng may mặc của Việt Nam.
(2) Thứ hai là Việt Nam tham gia vào các FTAS như VKFTA (Việt Nam – Hàn Quốc) và sắp tới đây là CPTPP, EVFTA. Các hiệp định này sẽ giúp ngành dệt may được hưởng lợi lớn từ mức thuế suất thấp, khiến cho các sản phẩm dệt may cạnh tranh hơn nếu so sánh với các nhà sản xuất khác tại Trung Quốc. Ví dụ đối với sợi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, thuế suất đối với sản phẩm Việt Nam là 0% trong khi sản phẩm Trung Quốc là 8%.
Nguồn: SSI Research.