Chiều 8/1, phiên xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong vụ án "Cố ý làm trái...; Tham ô tài sản", xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.
Chủ tọa yêu cầu bị cáo Trương Quốc Dũng – nguyên Phó tổng giám đốc PVC lên bục khai báo. Ông Dũng thừa nhận, trong tiền tạm ứng của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chuyển cho PVC, ông Dũng đã ký chi 2 lần gồm 30 tỷ đồng góp vốn vào một dự án nhà máy xi măng, 10 tỷ đồng thanh toán tạm ứng nội thất dầu khí để mua vật tư về công trường.
Bị cáo Trương Quốc Dũng. Ảnh: Xuân Ân.
Tuy vậy, ông Dũng giải thích: "Bị cáo nhận nhiệm vụ từ 2008, không được bàn giao gì... Bị cáo có áp lực từ 2 tờ trình của Tổng giám đốc, ý kiến của Trịnh Xuân Thanh phải ứng trước tiền để góp vốn hoàn thiện nhà máy xi măng từ năm 2009. Bị cáo trẻ tuổi, mới nhận công tác nên các anh bảo gì thì nghe”.
“Lúc bị cáo nhận nhiệm vụ, PVC như một con tàu đang đắm, không vớt nổi nên ai vớt được gì thì vớt… Ngân hàng và người đòi nợ nhiều quá, bị cáo hằng ngày chỉ tiếp ngân hàng đòi nợ - ông Dũng nói thêm.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TTXVN.
Tiếp đến, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó TGĐ PVN khai, được phân công theo dõi các dự án nhiệt điện của Tập đoàn. “Với Thái Bình 2, HĐTV có nghị quyết 21/2/2011, phê duyệt, ủy quyền cho PVPower lựa chọn, ký kết với nhà thầu hợp đồng EPC… Nghị quyết do anh Đinh La Thăng ký, bị cáo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng” – bị cáo Khánh nói.
Về hợp đồng EPC số 33 giữa PV Power và PVC, ông Khánh cho biết lúc ký xong mới thấy thiếu căn cứ pháp lý, hồ sơ yêu cầu, thủ tục và chưa được HĐTV của PV Power phê duyệt… Nội dung hợp đồng cũng rất sơ sài, không có phụ lục liên quan thanh toán, tạm ứng nên không có cơ sở để thực hiện hay tạm ứng. Vì vậy, khi chủ đầu tư được chuyển tử PV Power về PVN, Tập đoàn đã rà soát, hoàn thiện thủ tục để ký hợp đồng EPC mới.
Nguyễn Quốc Khánh khai thêm, ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐTV và Phùng Đình Thực – nguyên TGĐ PVN biết bản chất hợp đồng số 33. Ông Khánh chỉ là người tiếp nhận hợp đồng 33 về hoàn thiện nhưng việc này tốn nhiều thời gian nên tháng 10/2011 mới ký được hợp đồng EPC hoàn chỉnh giữa PVN và PVC để xây dựng Thái Bình 2.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó TGĐ PVN cũng khẳng định ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo tạm ứng cho PVC. Cụ thể, tại một cuộc họp giao ban công trường, ông Thăng có chỉ đạo tạm ứng cho nhà thầu 10% giá trị hợp đồng.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại tòa. Ảnh: Xuân Ân.
Ông Sơn nói thêm: “Bị cáo mới về PVN nhận chức Phó TGĐ từ 2011 nên toàn bộ việc chuẩn bị, ký kết hợp đồng hay chuyển chủ đầu tư về tập đoàn bị cáo không được theo dõi. Khi hợp đồng được chuyển về tập đoàn, có buổi họp, Chủ tịch PVN nói Thái Bình 2 là công trình trọng điểm quốc gia, được thực hiện theo cơ chế đặc thù cần đẩy nhanh tiến độ, tạm ứng cho nhà thầu theo hợp đồng đã ký”.
Ông Sơn trình bày thêm: “Bị cáo không nhận thức được hợp đồng số 33 không đủ điều kiện thực hiện. PVN cũng như các cơ quan, ban ngành thực hiện đã khảo sát, thiết kế, xin ý kiến Thủ tướng chỉ định thầu và ký hợp đồng với các nhà thầu là đơn vị con của PVN. Bị cáo nghĩ những việc này hoàn toàn đúng pháp luật nên bị cáo không kiểm tra lại. Sau khi làm việc với Kiểm sát viên cao cấp, bị cáo mới thấy hợp đồng này vi phạm pháp luật, mình có sai sót”.