Do tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm mạnh khiến hàng loạt nhà máy lọc dầu trên thế giới bắt đầu công bố đóng cửa do mất cân đối thu chi. Cùng chịu chung tác động kép, ngành lọc hóa dầu Việt Nam đang phải đối mặt với thực tế các kho chứa quá tải, dòng tiền giảm mạnh, nhà máy có nguy cơ buộc phải dừng hoạt động.
Các nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới đang đối mặt với tình trạng khó khăn về dòng tiền; bể chứa đầy ắp, càng chế biến, xuất bán càng lỗ.
Tại Việt Nam, các nhà máy lọc dầu và các đơn vị kinh doanh xăng dầu cũng ngập trong khó khăn, kinh doanh sa sút, lỗ nặng. Trong khi đó giá dầu thô, giá sản phẩm giảm liên tục do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và cuộc chiến giá giữa Nga và Saudi Arabia đe dọa nhấn chìm thị trường bằng cách tăng cung ứng dầu thô.
Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu là một trong các lĩnh vực hoạt động quan trọng của PVN. Đối với hoạt động sản xuất, hàng năm, hai nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và Nghi Sơn sẽ cung cấp khoảng 70-80% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, với hệ thống phân phối bán lẻ đứng thứ hai cả nước, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) cũng đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa xăng dầu đảm bảo chất lượng đến tận tay người tiêu dùng.
Các NMLD trong nước đứng trước nguy cơ đóng cửa do tank top
Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu của PVN đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong quý 1/2020, giá dầu thô và xăng dầu biến động giảm liên tiếp, gây áp lực rất lớn cho cả đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối. Thêm vào đó, bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới đã ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Đối với Việt Nam nói riêng, việc giảm thiểu các hoạt động du lịch, vận tải, tiêu dùng… đã tác động mạnh mẽ đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Theo tính toán, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước quý 1/2020 ước giảm khoảng 30% và dự kiến còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Chính vì vậy, các thương nhân đầu mối là khách hàng của 2 NMLD đã có những động thái dừng, giãn, hủy nhận hàng khiến cho việc tồn kho các sản phẩm xăng dầu tại hai Nhà máy lọc hóa dầu (NMLD) Dung Quất và Nghi Sơn luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng. Tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%, vượt xa mức cho phép.
Qua các con số này, các NMLD đang chịu áp lực rất lớn từ cả đầu vào (giảm giá hàng tồn kho dầu thô) lẫn đầu ra. Mặc dù nhu cầu xăng dầu giảm, tiêu thụ xăng dầu trong nước rất khó khăn nhưng theo số liệu công bố tại Báo cáo của Bộ Công Thương thì tình hình tổng lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,356 triệu tấn trong đó tổng khối lượng xăng dầu sản xuất trong nước là 2,16 triệu tấn của 2 NMLD (NMLD Nghi Sơn: 1,15 triệu tấn, NMLD Dung Quất: 1,01 triệu tấn), lượng nhập khẩu đã chiếm 39% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Lượng nhập khẩu quá lớn thực sự đã gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước.
Đề xuất nhập khẩu xăng dầu để giảm tồn kho
Đối mặt với tình trạng trên, PVN đã chủ động, nỗ lực điều phối sản xuất, công tác bao tiêu, giảm công suất các NMLD, xây dựng và triển khai gói giải pháp tổng thể để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu. Tuy nhiên, các giải pháp này cũng không thể phát huy hiệu quả nếu sản phẩm xăng dầu sản xuất ra không tiêu thụ được do nhu cầu suy giảm và do một lượng lớn xăng dầu vẫn được nhập khẩu.
Nhìn ra thế giới, Chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu xăng trong 6 tháng kể từ tháng 4 để bảo vệ sản xuất trong nước. Còn Chính phủ Trung Quốc đã ban hành những chính sách hỗ trợ các nhà máy lọc dầu gia tăng công suất hoạt động, bổ sung xăng dầu dự trữ quốc gia, tận dụng thời điểm giá dầu giảm sốc.
Chính vì vậy, để giải cứu các NMLD trong nước thì các cơ quan thẩm quyền của nhà nước rất cần thiết khẩn trương ban hành và thực thi các cơ chế chính sách nhằm hạn chế tối đa nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong nước sản xuất được trong giai đoạn đặc biệt khó khăn của khủng hoảng kép hiện nay.
Đồng thời, cần tiếp tục có các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, tăng cường các giải pháp phòng chống gian lận thương mại và bán phá giá xăng dầu, đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước sau khi dịch bệnh kết thúc được ổn định, an toàn.
La liệt hấp hối, đóng cửa
Mới đây, Tập đoàn lọc dầu lớn nhất Ấn Độ IOC thông báo, giảm hoạt động 40% và đang trong quá trình đóng cửa toàn bộ nhà máy lọc hóa dầu Mangalore và IOC tuyên bố đây là tình trạng bất khả kháng. Tương tự, các nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang tìm cách cắt giảm hoạt động, thậm chí đóng cửa các nhà máy để bảo dưỡng.
Tại Mỹ, các nhà máy khu vực Los Angeles và cơ sở Baytown của Exxon tại Texas đã công bố giảm sản lượng. Nhà máy Baytown lớn nhất của Exxon tại Mỹ, đã đóng cửa bộ phận sản xuất xăng do nhu cầu nhiên liệu của Mỹ sụt giảm.
Còn tại châu Âu, API (Italy) thông báo sẽ đóng cửa hoạt động nhà máy lọc dầu Ancona công suất 85.000 thùng/ngày, tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha công bố cắt giảm 10% hoạt động các nhà máy lọc dầu phức hợp. Phillips thống kê công suất lọc dầu trong quý 1/2020 ở mức thấp nhất kể từ thập niên 80 tới nay, chỉ duy trì hoạt động ở mức tối thiểu để hạn chế thấp nhất về thiệt hại.