Trước đó trong quý 1 PVTrans ghi nhận doanh thu thuần giảm 15,3% xuống mức 1.578 tỷ đồng chủ yếu do loại hình dịch vụ thương mại giảm. Mặc dù trong quý Tổng công ty chú trọng thực hiện tiết giảm chi phí QLDN, tăng hiệu quả của các loại hình SXKD, tuy nhiên quý 1/2020 lợi nhuận sau thuế vẫn giảm mạnh gần 1 nửa xuống mức 89,3 tỷ đồng do công ty trích chi phí sửa chữa lớn tàu dầu thô để chuẩn bị lên đà vào quý 2/2020.
Năm 2020 PVT sẽ tiếp tục tham gia vận chuyển dầu thô và sản phẩm dầu trên thị trường trong và ngoài nước, tăng cường làm việc với PetroVietnam để dành được quyền tham gia vận chuyển dài hạn dầu thô đầu vào và sản phẩm đầu ra cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và mở rộng hoạt động vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện.
Bên cạnh đó, PVT sẽ đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ có liên quan như cung cấp vật tư thiết bị, đại lý hàng hải, cung cấp toàn bộ dịch vụ đại lý hàng hải cho đội tàu của PVT hoạt động trong nước.
Để có nguồn vốn tiếp tục đầu tư, PVT dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15%, tương ứng khoảng hơn 42,2 triệu cổ phiếu, thời gian thực hiện trong năm 2020, vốn điều lệ của PVTrans sau khi phát hành dự kiến tăng lên gần 3.237 tỷ đồng.
Đáng chú ý, HĐQT còn đề nghị Đại hội xem xét cho phép PVT hoạt động với mô hình không có Ban kiểm soát, mà chuyển bộ phận Kiểm toán nội bộ hiện hành thành tiểu ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT.
Điều này được PVT giải thích là do hiện tại doanh nghiệp đang hoạt động vừa có Ban kiểm soát và Kiểm toán nội bộ đã làm lãng phí tài chính, nhân lực vừa xảy ra nhiều bất cập trong quản trị doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh năm năm 2019 vừa qua của PVT không có tăng trưởng nhiều so với năm trước đó với doanh thu hợp nhất đạt 8.047 tỷ đồng, tương đương so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 821 tỷ đồng, chỉ tăng 5%.
Trên thị trường, sau khi rơi xuống đáy trên 3 năm tại 7.600 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 3 vừa qua, hiện cổ phiếu PVT đang giao dịch quanh mức 11.550 đồng/cp, tăng 51% trong hơn 2 tháng.