Theo Nghị định 05, các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ (KTNB) gồm: các công ty niêm yết; doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Nghị định cũng khuyến khích các doanh nghiệp khác thực hiện công tác KTNB.
Nghị định 05 đưa ra một khung pháp lý về cách thức tổ chức, thực hiện KTNB cũng như vai trò, trách nhiệm của bộ phận KTNB và các bên liên quan.
Theo ông Hoàng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam và nguyên là chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ xây dựng Nghị định 05, đây sẽ là một động lực mới thúc đẩy tính minh bạch trong quản trị công ty.
"Với việc Nghị định 05 được ban hành, chắc chắn các doanh nghiệp, tổ chức sẽ cần đầu tư vào chức năng KTNB một cách nghiêm túc hơn, để KTNB có thể thực hiện đúng vai trò rà soát và đánh giá độc lập các quy trình quản trị, quy trình quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp," ông Hùng cho biết.
Cùng với Luật chứng khoán đang được sửa đổi và Bộ nguyên tắc Quản trị Công ty dự kiến sẽ sớm được ban hành, Nghị định 05 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư và tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Nghị định 05 có đưa ra quy định về tiêu chuẩn của người làm công tác KTNB, cũng như các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp KTNB. Theo ông Hoàng Hùng, vấn đề nhân sự KTNB sẽ là một trong những vấn đề chính mà các doanh nghiệp sẽ phải giải quyết, bởi số lượng nhân sự có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm và bằng cấp chuyên môn về KTNB trên thị trường lao động là rất hạn chế.
Trong trường hợp không có đủ nhân sự KTNB trong nội bộ doanh nghiệp, Nghị định 05 có cho phép doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ của tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động KTNB theo quy định.
Về hiệu lực thi hành, Nghị định yêu cầu trong vòng 24 tháng kể từ ngày 1/4/2019, các đối tượng áp dụng sẽ phải hoàn thành các chuẩn bị cần thiết để triển khai công tác KTNB theo quy định tại Nghị định. Cũng giống như đối với các nghị định mới ban hành khác, cơ quan quản lý Nhà nước được mong đợi sẽ sớm đưa ra các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn trong thời gian tới.