Trong bối cảnh mô hình kinh doanh thay đổi liên tục cùng việc tăng trưởng doanh thu ngày càng được đẩy mạnh, việc quản lý dòng tiền và vốn lưu động thường không phải là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh kinh tế bùng nổ và đồng thời Việt Nam đang là một trong những quốc gia hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khả năng chuyển đổi doanh thu thành dòng tiền đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu chi phí hoạt động, cải thiện năng lực cạnh tranh, từ đó quyết định khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững.
Ghi nhận tại báo cáo hiệu quả vốn lưu động của doanh nghiệp Việt Nam mới nhất của PwC, mặc dù doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều đơn vị tiếp tục gặp khó khăn trong việc chuyển đổi lượng tiền mặt cần thiết cho hoạt động. Trong đó, khoảng 11,3 tỷ USD tiền mặt (chỉ tương đương 46% giá trị vốn lưu động thuần cho 2018) có thể được giải phóng thông qua việc tối ưu quản lý vốn lưu động đối với các doanh nghiệp nghiên cứu.
Được biết, báo cáo PwC dựa trên khảo sát 509 doanh nghiệp lớn nhất tính theo doanh thu tại Việt Nam 4 năm qua, niêm yết trên HoSE, HNX và thuộc 15 nhóm ngành khác nhau. Kết quả cho thấy khoảng 24,1 tỷ USD đang bị tồn đọng trong vốn lưu động thuần của các doanh nghiệp, trong đó 11,3 tỷ USD có thể được giải phóng bằng việc áp dụng các giải pháp tối ưu cho quy trình quản lý vốn lưu động. Con số này tăng hơn gấp đôi so cơ hội giải phóng năm ngoái là 4 tỷ USD (trên tổng giá trị ước tính bị tồn đọng là 10 tỷ USD).
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận còn hạn chế trong quản lý vốn lưu động so với các khu vực khác và trong Châu Á, với chu kỳ tiền mặt C2C tăng 2 ngày so với năm tài chính trước.
C2C (Cash conversion cycle) là chu kỳ chuyển đổi tiền mặt của doanh nghiệp, con số này tại Việt Nam hiện nay vào mức 67 ngày – điều này thể hiện hiệu suất chuyển đổi của doanh nghiệp nước ta đang tụt lại phía sau so với phần lớn các quốc gia châu Á, chỉ sau Indonesia.
Thực tế, một nghiên cứu khác về số liệu hiệu suất vốn lưu động của hơn 500 công ty tại Việt Nam năm 2018 chỉ ra khoảng một nửa các doanh nghiệp này đã nghiên cứu cải thiện ngày C2C của họ. Trong số 7/15 ngành nghiên cứu, xấp xỉ 60% công ty trong mỗi lĩnh vực kể trên đã giảm giá trị C2C trong cùng thời kỳ.
Theo đó, PwC cho rằng sự suy giảm C2C tổng thể như đã đề cập chủ yếu bị tác động bởi các doanh nghiệp còn lại ở những ngành khác, chủ yếu là do quản lý hàng tồn kho và các khoản phải thu không hiệu quả. Điều này gây thêm áp lực lên thanh khoản doanh nghiệp, và nếu C2C được quản lý hiệu quả hơn, công ty có thể có nhiều tiền mặt hơn.
Báo cáo cũng đề cập đến những trăn trở về tăng trưởng bền vững với thực trạng các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh đang ngày một phụ thuộc vào các nguồn vốn vay mượn ngắn hạn, trong khi lượng tiền mặt tồn đọng là một nguồn vốn giá trị cao mà các doanh nghiệp chưa thực sự chú ý tối ưu hóa. Cùng với đó là sự chênh lệch về hiệu quả quản lý vốn lưu động ngày một tăng giữa các doanh nghiệp quản lý tốt nhất và kém nhất theo từng nhóm ngành.
Đặc biệt, tại nhiều doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng vốn lưu động đang bị đánh đổi để đạt được tăng trưởng doanh thu, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bền vững, PwC nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn có thể giảm C2C mà không cần ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh số. Ví dụ, đối với các khoản phải trả, công ty có thể xem xét lựa chọn các kênh tài chính có xếp hạng tín dụng cao hơn. Hay với hàng tồn kho, doanh nghiệp nên có đánh giá chi tiết quá trình quản lý, đồng thời giảm hàng lỗi thời/không cần thiết trong kho.