Pyn Elite Fund, quỹ đầu tư ngoại với quy mô danh mục 300 triệu Euro (326 triệu USD) vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 3 với nhiều điểm đáng chú ý.
Trong tháng 3, thị trường tài chính toàn cầu diễn ra hàng loạt sự kiện tiêu cực bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Giá dầu lao dốc, TTCK đối mặt với sự hoảng loạn và mức biến động chưa từng có trước đây khiến các ngân hàng trung ương phải mau chóng có hành động can thiệp. Chỉ số S&P 500 ghi nhận mức giảm 20% so với đầu năm và giảm 13% trong tháng 3. Các chỉ số chứng khoán ở Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong cũng mất tương đương.
Hiệu quả danh mục Pyn Elite Fund giảm gần 30% từ đầu năm, đẩy mạnh gom cổ phiếu hàng không
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng ghi nhận mức giảm 31% so với đầu năm và giảm 25% trong tháng 3. Trong khoảng thời gian này, thị trường Việt Nam chứng kiến sự rút vốn lịch sử của khối ngoại với con số 340 triệu USD. Thanh khoản thị trường ở mức cao với giá trị bình quân 230 triệu USD/phiên.
Trong bối cảnh này, danh mục Pyn Elite Fund cũng ảnh hưởng nặng nề với mức sụt giảm NAV/Shares lên tới 26,78% trong tháng 3 và giảm 29,46% so với đầu năm. Mức giảm trên cũng "thổi bay" thành quả của Pyn Elite Fund từ năm 2016 tới nay.
Thành quả đầu tư nhiều năm của Pyn Elite Fund bị "thổi bay" trong tháng 3
Tại thời điểm cuối tháng 3, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục Pyn Elite Fund là 91%, còn lại 9% là tiền mặt, cao hơn đôi chút so với tỷ trọng 7% tiền mặt trong tháng 2.
Pyn Elite Fund là một trong những quỹ đầu tư có cái nhìn lạc quan nhất về triển vọng kinh tế cũng như TTCK Việt Nam. Trong tháng 2 khi thị trường đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, quỹ đã cho rằng đây là thời điểm nên "tất tay" vào cổ phiếu Việt Nam do mức giá khá hấp dẫn cũng như triển vọng kinh tế tích cực. Quỹ cũng lạc quan đánh giá TTCK Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng Emerging Markets, cũng như chỉ số VN-Index có thể cán mốc 1.800 điểm (hiện đang quanh ngưỡng 750 điểm).
Dù vậy, trong tháng 3 vừa qua, Pyn Elite Fund đã thực hiện bán ra một số khoản đầu tư trong danh mục như HUT, SVC, DIC, VNE…
Hiện trong danh mục Pyn Elite Fund, TPB vẫn là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 10,94%, xếp tiếp theo lần lượt là VEA (8,56%), CTG (7,99%), HDB (7,49%)…Ngoài ra, các cổ phiếu hàng không như ACV, SCS đã nằm trong top danh mục của quỹ.
Top 12 cổ phiếu trong danh mục Pyn Elite Fund tại thời điểm cuối tháng 3
Không quá lo lắng về nợ xấu
Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh do nhà đầu tư lo ngại triển vọng tăng trưởng chậm hơn cũng như nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, Pyn Elite Fund cho rằng những mối lo về tình hình nợ xấu là quá đà. Những năm qua, NHNN đã kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng và tích cực can thiệp vào các ngân hàng có hoạt động cho vay những lĩnh vực rủi ro cao (ví dụ cho vay BĐS và tài chính tiêu dùng). Những người đi vay rủi ro cao (như đầu tư BOT) không thể tiếp cận tín dụng một cách dễ dàng.
Pyn Elite Fund đánh giá các công ty Việt Nam sử dụng đòn bẩy thấp và có nhiều tiền mặt. Top 50 công ty hàng đầu của Việt Nam có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức 32%, thấp hơn nhiều so với các công ty tại Âu – Mỹ. Các công ty nhỏ hơn khó có thể tiếp cận các khoản vay lớn, thậm chí không vay được do không có tài sản thế chấp tốt.
Theo Pyn, các các ngân hàng khó có thể bị ảnh hưởng từ làn sóng vỡ nợ liên quan đến thị trường Mỹ. Thị trường vốn Việt Nam chỉ mở một phần cho nhà đầu tư nước ngoài, do đó có rất ít công ty Việt Nam có thể phát hành trái phiếu USD, qua đó hạn chế rủi ro từ các cú sốc bên ngoài.
Pyn cho biết các cổ phiếu chủ chốt trong danh mục của quỹ có khả năng sống sót ngay cả trong môi trường chi phí lãi vay cao hơn và nhu cầu xuất khẩu yếu. Đó là bởi hệ số nợ trên vốn của các cổ phiếu chủ chốt của quỹ chỉ là 27%. Ngoài ra, hơn một nửa các doanh nghiệp này có vị thế tiền mặt ròng. Hầu hết các công ty đều hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, ngoại trừ FPT có 13% doanh thu từ các đối tác Mỹ, EU.