Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 7 với nhiều điểm đáng chú ý. Trong tháng 7, dưới sự bùng phát mạnh mẽ của làn sóng COVID-19 lần 4, hiệu suất danh mục quỹ âm 5,5%, "tích cực" hơn đôi chút so với mức giảm 7% của chỉ số VN-Index. Đây cũng là mức hiệu suất thấp nhất của quỹ ngoại này tính từ tháng 3/2020.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, Pyn Elite Fund ghi nhận mức tăng 17%, được hỗ trợ bởi MBB (+71%), HDB (+42%) và VNDiamond ETF (+48%).
Tính tới cuối tháng 7, quy mô danh mục Pyn Elite Fund đạt 703,6 triệu Euro (khoảng 823 triệu USD). Trong đó, VHM vẫn ở vị trí đầu danh mục với tỷ trọng 15,9% (112 triệu Euro), thấp hơn mức 16% (119 triệu Euro) trong tháng trước.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng Pyn Elite Fund đang nắm giữ, duy nhất TPB tăng tỷ trọng 0,1% so với tháng trước lên mức 10%, đứng thứ 2 danh mục. HDB được giữ nguyên tỷ trọng 9,5%; còn lại MBB bị giảm từ 9,4% xuống 8,9% và CTG bị giảm từ 7,2% xuống 6,3%. CTG cũng là cổ phiếu có hiệu suất tiêu cực nhất trong danh mục tháng 7 với mức giảm 15,7%.
VRE rớt từ vị trí số 3 trong danh mục trong tháng trước (tỷ trọng 9,5%, tương ứng 70,5 triệu Euro) xuống vị trí thứ 6 trong tháng 7 (tỷ trọng 8,8%, tương ứng 62 triệu Euro). VRE cũng ghi nhận mức giảm mạnh 12,9% về hiệu suất trong tháng. Đáng chú ý, chứng chỉ VN Diamond ETF vẫn đứng ở vị trí thứ 7, song tỷ trọng đã bị giảm mạnh từ 9,2% (68 triệu Euro) trong tháng trước xuống mức 7,6% (53 triệu Euro). Vào tháng 4/2021, tỷ trọng Diamond ETF có lúc lên tới 10,3%, lớn thứ 2 danh mục quỹ.
Từ đầu năm tới nay, VNDiamond ETF đã tăng trưởng 48% nhờ (1) tốc độ tăng trưởng vững chắc về lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp và (2) giá cổ phiếu dần thu hẹp khoảng chênh lệch giá so với các thị trường khác. Pyn Elite Fund đánh giá mức tăng trưởng các doanh nghiệp trong rổ VNDiamond đã đạt 50% trong nửa đầu năm 2021 và hoàn thành 53% dự báo cả năm của quỹ. Dự phóng, mức tăng của VNDiamond ETF sẽ đạt 25% trong năm 2021 đồng thời CAGR giai đoạn 2020-2023 đạt 21%.
Pyn Elite Fund cho biết, các khoản đầu tư khác của quỹ cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 6 tháng đạt 47% và hoàn thành 49% dự báo cả năm. Song, giá cổ phiếu vẫn chưa phản ánh toàn bộ kỳ vọng về tăng trưởng- chỉ tăng trung bình khoảng 17% từ đầu năm tới nay; ngoài ra một số cổ phiếu còn khá nhạy cảm với luồng thông tin về COVID-19.
Về vĩ mô, Pyn Elite Fund cho rằng chính sách giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã làm giảm hiệu suất hoạt động của các nhà máy, khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Chỉ số PMI dậm chân lại mức 45,1. Doanh thu ngành bán lẻ ghi nhận giảm 19,8% so với cùng kỳ trong khi sản xuất công nghiệp chỉ ghi nhận mức tăng khiêm tốn 2,2%. Xuất khẩu cũng cho thấy sự chậm lại trong tháng 7 khi tăng 8,4% so với cùng kỳ, trước đó mức tăng trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 28,4%.
Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam được cho là vẫn khá lạc quan và tin tưởng vào các chính sách vaccine sẽ được triển khai nhanh chóng và hoàn thành đến cuối năm 2021, bên cạnh đó cũng đồng thuận với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và các gói hỗ trợ của Chính phủ.