Bài viết thể hiện quan điểm của Sun Jiashan. Ông là phó giáo sư tại Học viện Nghệ thuật Trung Quốc. Ông đã cộng tác với ứng cử tiến sĩ Zhang Taiqi của Khoa Tiếng Trung thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông để đưa ra bài phân tích về cơn sốt vũ trụ ảo metaverse hiện nay ở Trung Quốc.
Cơn sốt "metaverse" bùng nổ
Kể từ cuối năm 2021, thế giới công nghệ đã xôn xao về vũ trụ ảo "metaverse". Chỉ trong vòng 6 tháng qua, mọi loại báo cáo nghiên cứu, tổ chức và ứng dụng đã xuất hiện để tận dụng lợi thế của xu hướng mới nhất. Chỉ riêng ở Trung Quốc, mọi người có thể nghe nhạc metaverse, uống rượu metaverse và thậm chí mua xúc xích metaverse.
Nếu có bất kỳ lý do nào giải thích cho cơn sốt, lý lẽ đó cũng sẽ bị cuốn trôi bởi một làn sóng đầu cơ của các công ty thoạt nhìn không có bất kỳ mối liên hệ nào với công nghệ.
Ít nhất 20 nhãn hiệu đồ uống có cồn đã liên kết với metaverse. Công ty Phát triển Đầu tư Henan Shuanghui cũng đã đăng ký thương hiệu cho xúc xích "Original Universe", một cách chơi chữ có nghĩa là metaverse.
Ngay cả khi một công ty hoạt động đúng với tên gọi của mình, có những dấu hiệu cho thấy thị trường đang dần trở nên vô lý hơn. Trên nền tảng thực tế ảo chạy trên ethernet blockchain Decentraland, một công ty đầu tư kỹ thuật số đã mua một mảnh đất ảo với giá 2,43 triệu USD.
Trong khi thị trường bất động sản của Trung Quốc đang trong giai đoạn suy thoái kéo dài vì những nỗ lực làm giảm bong bóng bất động sản của chính phủ, các ông trùm công nghệ chớm nở của đất nước lại đang tham gia vào hoạt động phi lý là đầu cơ vào đất ảo.
Metaverse không phải là một khái niệm mới. Một số ý tưởng đã xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "Snow Crash" của Neal Stephenson năm 1992. Những ý tưởng tương tự đã xuất hiện trong cuốn "True Names" của Vernor Vinge năm 1981 hoặc cuốn "Neuromancer" kinh điển của William Gibson năm 1984.
Tuy nhiên nếu cuộc sống thực muốn bắt chước nghệ thuật, những gì đang diễn ra lại không mấy tốt đẹp. Mặc cho những tiến bộ hàng thập kỷ trong trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo và các nền tảng ý tưởng công nghệ khác tạo ra metaverse, cơn sốt hiện tại giống tác phẩm "Ready Player One" hơn là các tác phẩm khoa học viễn tưởng cổ điển. "Ready Player One" là một tác phẩm khác nói về một tương lai không có sự đổi mới mà chỉ là chạy trốn thực tại mệt mỏi trong thế giới ảo.
Nói một cách ngắn gọn, làn sóng đầu cơ này xuất hiền phần nhiều là do nhóm tiếp thị của Facebook hơn là bất kỳ bước đột phá về phần cứng hay phần mềm tiên phong nào.
"Metaverse" có thể trở thành một bong bóng tiếp theo?
Theo dữ liệu từ nền tảng tìm kiếm thương mại Tianyancha, 1.582 công ty Trung Quốc đã đăng ký 11.404 nhãn hiệu liên quan đến metaverse vào năm 2021. Tuy nhiên chỉ có 130 công ty trong số này đăng ký trước ngày 22/9, một tháng trước khi Facebook thông báo đổi tên thành Meta. Nói cách khác, số lượng các công ty liên quan đến "metaverse" đã tăng gấp 10 lần trong 3 tháng cuối năm.
Đối với một vài công ty, họ đã đánh cược thành công. Giá trị vốn hóa thị trường của ZQGame đã tăng gấp 5 lần trong khoảng 1 tháng, sau khi tuyên bố đang xây dựng một nền tảng chơi game mới.
Kể từ đó, công ty đã nhận được nhiều yêu cầu cho xem bằng chứng về các kế hoạch của mình và liệu công ty này có đang cố gắng trục lợi từ cơn sốt cổ phiếu hay không. Giá cổ phiếu của công ty Shenzhen Zhongzhuang cũng tăng kịch trần sau khi công bố vào tháng 12/2021 rằng họ đang phát triển các ứng dụng metaverse và blockchain mới.
Về mặt kỹ thuật, metaverse là sự kết hợp của internet di động và "internet vạn vật", là một thế giới trong đó điện toán đám mây và AI kết nối tương tác giữa con người và máy tính. Nói tóm lại, metaverse là sự hợp nhất giữa cuộc sống kỹ thuật số và cuộc sống thực của con người. Tuy nhiên, định nghĩa cơ bản về metaverse thì luôn mơ hồ.
Các công ty Trung Quốc có lý do riêng để tham gia vào cơn sốt vũ trụ ảo. Vào thời điểm mà các cơ quan quản lý đang thẳng tay chấn chỉnh các hoạt động độc quyền lâu đời, các công ty coi metaverse như một lối thoát, một cách để đổi thương hiệu khỏi tai tiếng trong khi tiến vào sự khởi đầu của bong bóng lớn tiếp theo.
Theo ông Sun Jiashan, sự điên cuồng kỳ quặc xung quanh vũ trụ ảo metaverse hiện nay về cơ bản là sản phẩm của các công ty đã cạn kiệt ý tưởng của riêng họ và bắt đầu ăn cắp ý tưởng từ khoa học viễn tưởng và phim ảnh. Càng ngày, không có cải tiến nào thực sự diễn ra mà chỉ là những câu chuyện mới hơn mà chúng ta tự kể để biện minh cho giá cổ phiếu cao chưa từng có.
Tại một thời điểm nào đó, bong bóng mong manh này sẽ vỡ tung, có khả năng không chỉ gây ra một cuộc khủng hoảng khác như bong bóng dot-com đầu những năm 2000 mà còn là bước lùi cho ngành công nghệ và internet trong nhiều thập kỷ.
Ở Trung Quốc, tác hại tiềm tàng của tất cả các đầu cơ tài chính xung quanh metaverse có thể còn sâu rộng hơn. Những rủi ro đầu cơ mơ hồ như vậy có nguy cơ làm gián đoạn cả việc phân bổ hợp lý các nguồn lực sản xuất. Điều này cũng làm sai lệch việc phân bổ nhân tài, đẩy những bộ óc xuất chúng ra khỏi sự đổi mới công nghệ sang lĩnh vực sinh lợi hơn là sự sành sỏi về công nghệ.
Câu chuyện của metaverse là câu chuyện của chủ nghĩa hậu hiện đại, của những thị trường kiệt quệ. Nhưng chúng có thể mang lại cơ hội. Những thứ đang ngày càng đi vào ngõ cụt thì càng cần có kế hoạch dự phòng trước khi bong bóng nổ tung. Nếu các công ty chuẩn bị sớm, họ có thể tránh được những tác động tồi tệ nhất và thậm chí có thể tận dụng cơ hội mà sự bùng nổ phản chu kỳ mang lại.
Sun Jiashan khẳng định tương lai của nền kinh tế kỹ thuật số không phải là khoa học viễn tưởng mà là do làm việc chăm chỉ, quản trị tốt và gia tăng cải tiến.
Tham khảo Sixth Tone