Trong suốt thời gian phong tỏa vừa qua, Trung Quốc đã không phát tiền mặt trực tiếp cho người dân như cách Mỹ và phần lớn các nước phát triển đã làm. Thay vào đó, Bắc Kinh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp.
Quan điểm của Trung Quốc là tập trung vào phía nguồn cung, trợ cấp cho các chủ sử dụng lao động để giúp họ có thể duy trì việc làm cho nhân công, từ đó ổn định xã hội và kinh tế cũng phát triển ổn định.
Một số người cho rằng với cách làm này, sau khi dỡ phong tỏa Trung Quốc sẽ không phải đối mặt với áp lực lạm phát đến từ số tiền mặt dư thừa không thể tiêu do phong tỏa. Ví dụ như tại Mỹ, trợ cấp liên bang không chỉ giúp hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói mà còn tạo nên hơn 2.000 tỷ USD tiền tiết kiệm trong các hộ gia đình, khiến áp lực lạm phát tăng lên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings, Trung Quốc vẫn cần phải thận trọng. Dựa vào các số liệu từ các tài khoản ngân hàng và thu nhập của người dân, họ ước tính các hộ gia đình Trung Quốc vẫn tích lũy được số tiền lên tới 720 tỷ USD.
"Những người hào hứng mong chờ làn sóng chi tiêu bù nên thận trọng với mong ước của mình", các chuyên gia kinh tế Nomura nhận định trong báo cáo mới đây.
Các hộ gia đình Trung Quốc không được hưởng lợi từ các loại trợ cấp như ở Nhật, Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, theo hai chuyên gia kinh tế Rob Subbaraman và Si Ying Toh viết trong báo cáo xuất bản ngày 19/1, người dân Trung Quốc đã tăng cường các khoản tiết kiệm phòng ngừa rủi ro khi chứng kiến giá bất động sản lao dốc và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng mạnh.
Tại Mỹ, năm ngoái chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng kể cả khi Cục dự trữ liên bang triển khai chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do tiền tiết kiệm.
Ngược lại, Trung Quốc mở cửa trở lại đúng thời điểm NHTW nước này đang thực thi các chính sách nới lỏng tiền tệ. Thông thường trong hoàn cảnh đó lạm phát sẽ tăng mạnh nhưng điều đó đã không xảy ra.
Ngoài nguyên nhân người tiêu dùng thận trọng, có thể còn có 1 nguyên nhân khác dù chỉ là phỏng đoán: số ca nhiễm và ca tử vong đã tăng vọt sau khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero covid.
Các chuyên gia của Nomura nhận định sang năm 2023, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với 2 cú sốc lạm phát có quy mô lớn và còn lan rộng ra toàn thế giới.
Đầu tiên, cú sốc nguồn cung sẽ xảy ra khi dịch bệnh khiến nhiều nhà máy bị ảnh hưởng, thậm chí tạm thời đóng cửa do có quá nhiều công nhân nhiễm bệnh. Sau đó là cú sốc về cầu khi lượng lớn người tiêu dùng quay trở lại, khiến giá hàng hóa tăng lên.
Vì nhu cầu của đất nước tỷ dân là rất lớn, nhu cầu nhập khẩu cũng tăng mạnh, gây ra áp lực tăng giá cho thị trường hàng hóa. Và đừng quên làn sóng người Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài.
"Sau 3 năm đóng cửa biên giới, nhu cầu đi du lịch nước ngoài là rất lớn. Chúng tôi dự báo đến cuối năm 2023 du lịch outbound (người Trung Quốc ra nước ngoài) sẽ hồi phục từ mức gần như bằng 0 lên 75% mức trước dịch", Sheana Yue, chuyên gia kinh tế của Capital Economics nhận định.
Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách quốc tế cũng đã nhận thức được nguy cơ này. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới vừa khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ hôm 20/1, Chủ tịch NHTW châu Âu Christine Lagarde nói rằng lực cầu tăng lên là điều nên chào đón, nhưng sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ mang đến áp lực lạm phát cho rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Tham khảo Bloomberg