Việc các sàn cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro..., thì hầu hết đều là lừa đảo.
Thời gian gần đây, hàng loạt sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, sàn ngoại hối (forex) trái phép, chứng khoán quốc tế đã bị cơ quan chức năng đánh sập hoặc "tự sập" khiến nhà đầu tư thiệt hại cả ngàn tỉ đồng. Đến bây giờ, nhiều nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục gửi đơn tới cơ quan công an. Tuy nhiên, các sàn khác vẫn tiếp tục quảng cáo, mời gọi nhà đầu tư tham gia.
Vẫn chiêu "cam kết không lỗ"
Hằng ngày, nhiều người vẫn thường xuyên nhận được cuộc gọi, tin nhắn qua Zalo, Viber, mạng xã hội như: "Mình có sàn trade Bianayr kiếm tiền hiệu quả, giao dịch theo lệnh chuyên gia, lợi nhuận trung bình 5%/ngày. Có bảo hiểm vốn, thanh khoản 5 phút". "Chỉ cần bỏ vốn 100 triệu đồng, có thể kiếm được 210 triệu đồng tiền lãi/tháng"...
Ngày 24-6, nhân viên của một sàn forex vẫn miệt mài tư vấn và kêu gọi nhà đầu tư trong nhóm Zalo về giao dịch vàng, tiền tệ, chứng khoán nước ngoài nhanh tay mua cổ phiếu của Ngân hàng JP (Mỹ) vì đầu tháng 7 tới, ngân hàng này sẽ chia cổ tức. Người mua cổ phiếu chắc chắn thu lợi nhuận ít nhất 30% số vốn đầu tư.
Nghe tư vấn hấp dẫn, một số thành viên thuộc nhóm Zalo nói trên liên tục tìm hiểu hoạt động của Ngân hàng JP để nạp tiền mua cổ phiếu. Có điều, nhiều người không thể biết được họ giao dịch cổ phiếu trực tiếp với sàn giao dịch ở nước ngoài hay thông qua một sàn trung gian tại Việt Nam và có thể đối mặt những rủi ro gì.
Các sàn forex, tiền kỹ thuật số vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp những cảnh báo của cơ quan quản lý Ảnh: Hoàng Triều |
Trong vai một nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu sàn giao dịch tiền số, chúng tôi liên hệ với phụ trách một nhóm đầu tư sàn Synar. Được giới thiệu là "dự án tỉ đô" đến từ Anh, nhà đầu tư chỉ cần bỏ tiền tối thiểu từ 500 USD, cộng với mua các gói bảo hiểm là có thể đầu tư đồng tiền kỹ thuật số SNA (1 SNA tương đương khoảng 1,2 USD). Theo lời của B., phụ trách nhóm đầu tư này, đồng SNA sẽ tăng giá mỗi ngày, nếu tham gia sàn Synar, nhà đầu tư được cam kết bảo hiểm 100% vốn, lợi nhuận 36%/tháng, có chuyên gia đọc lệnh mỗi ngày. Trong nhóm Zalo của B. hiện có gần 1.000 thành viên và các nhà đầu tư thường xuyên khoe vừa nhận lãi được hàng triệu đồng mỗi ngày.
Anh Lê Thương (quận Phú Nhuận, TP HCM - người từng tiếp cận nhân viên sàn forex để tìm hiểu các yếu tố rủi ro trước khi quyết định đầu tư) cho biết những nhân viên này luôn cung cấp tài liệu cho thấy họ làm việc cho các tổ chức trú đóng tại Việt Nam, có vai trò kết nối nhà đầu tư trong nước giao dịch với các sàn ở nước ngoài, như: Công ty Adad Brand (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là đại lý tại Việt Nam của Công ty Rosyfx (rosyfx.com) - sàn giao dịch ngoại hối được đặt dưới sự quản lý bởi MARDORM HK Ltd - địa chỉ: Heng Shan Centre, 145 Queens Road East, Wan Chai, Hồng Kông (Trung Quốc) hay Công ty TNHH LAP Media (LAP Media), trú đóng ở quận 1, TP HCM là đơn vị làm trung gian cho sàn giao dịch ngoại hối DK Trade - một tổ chức môi giới tài chính, chứng khoán được cấp phép và quản lý bởi Cơ quan Dịch vụ Tài chính Saint Vincent và Grenadines.
"Tuy nhiên, khi tra cứu sàn DK Trade, tôi mới biết Saint-Vincent and the Grenadines là một đảo quốc nằm ở vùng biển Caribbe và Đại Tây Dương, dân số có khoảng 100.000 người. Còn sàn rosyfx.com tôi không tìm được thông tin nào cho thấy sàn này hoạt động tại Hồng Kông (Trung Quốc). Vậy việc bỏ vốn vào các sàn giao dịch ngoại hối ẩn chứa nhiều yếu tố khuất tất nên không dám đầu tư" - anh Thương kể lại.
Thông tin mù mờ và nhà đầu tư luôn bị thiệt
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Maketing) cho rằng nhà đầu tư không có thông tin để kiểm chứng các doanh nghiệp tại Việt Nam có đích thực đóng vai trò trung gian cho sàn giao dịch ngoại hối nước ngoài hay không. Thế nên, việc giao dịch vàng, tiền tệ, cổ phiếu thông qua các công ty này có thể dính bẫy lừa đảo. "Giả sử việc giao dịch với sàn ngoại hối quốc tế là có thật nhưng hệ thống hoạt động đều do các sàn này tự thiết lập, nếu xảy ra sai lệch hoặc mất hết dữ liệu thì nhà đầu tư sẽ kêu cứu ai?" - ông Thuận nêu vấn đề.
Một số chuyên gia tài chính khác khẳng định bản chất của những sàn giao dịch được quảng cáo là quốc tế thực chất là lừa đảo. Chủ sàn mời gọi nhà đầu tư tham gia, chuyển khoản VNĐ để đổi sang đơn vị ngoại tệ, tiền kỹ thuật số nhưng đơn vị ngoại tệ này các sàn tự định nghĩa, không đăng ký cơ quan quản lý, không có gì bảo đảm..., chứ không phải các sàn forex quốc tế đúng nghĩa.
"Nếu là forex thật thì biến động theo tỉ giá các đồng ngoại tệ, lên xuống có lời, lỗ với biên độ thị trường và nhà đầu tư phải rút được tiền. Còn ở những sàn ngoại hối bị sập hoặc bị đánh sập thời gian qua, nhà đầu tư thường bị khóa tài khoản, không rút được tiền" - một chuyên gia tài chính phân tích.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh đưa ra những dấu hiệu của một sàn giao dịch lừa đảo: Các hình thức đầu tư không được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền; không có giấy phép, kể cả giấy phép quốc tế hoặc từ các nước khác hoặc chỉ có giấy phép không liên quan để lĩnh vực forex, tiền kỹ thuật số... Các sàn cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi nhà đầu tư đóng tiền.
"Lợi nhuận được hứa hẹn ổn định bất kể điều kiện thị trường. Những mức lợi nhuận gấp 3 lần lãi suất ngân hàng thường sẽ có "mùi" lừa đảo. Trong khi những chi tiết cụ thể về cách thức đầu tư, kinh doanh để trả lãi cho người chơi đều được giữ bí mật hoặc được cố ý mô tả rất phức tạp.
Người tham gia không được phép xem các giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của họ. Người tham gia hầu như không thể rút được tiền gốc, chỉ được trả lãi trong giai đoạn đầu để kích thích lòng tham, nạp thêm tiền và sau đó bị đánh sập" - chuyên gia Phan Dũng Khánh cảnh báo.
Có thể cấp phép thử nghiệm cho một số sàn PGS-TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), cho rằng đối với những kênh đầu tư vào tiền số, cơ quan quản lý cần gia tăng mức độ quản lý thay vì chỉ cảnh báo như hiện nay. Giải pháp có thể là cho phép một số sàn giao dịch đã được cấp phép ở các nước hoạt động tại Việt Nam, với điều kiện nhà đầu tư tham gia phải am hiểu, có kiến thức ban đầu. Như ở một số nước, với những kênh đầu tư có độ rủi ro cao, cơ quan quản lý yêu cầu người tham gia phải vượt qua bài kiểm tra về nhận thức; nhà cung cấp (các sàn giao dịch) cũng phải bảo đảm tuân thủ quy định này, công khai các rủi ro cho người tham gia. Đồng thời, các sàn giao dịch tiền số được cấp phép cũng phải bảo đảm tiêu chuẩn về hạ tầng, được chứng nhận bởi bên thứ 3 nhằm bảo vệ nhà đầu tư. |
(Theo Người Lao Động)