Thương hiệu thể thao đình đám Nike là nhà tài trợ cho nhiều đội tuyển quốc gia tham dự kỳ Euro năm nay. Trong số 24 đội tuyển góp mặt trong giải đấu, Nike cung cấp trang phục cho 9 đội bóng. Đây đều là những cái tên "sừng sỏ" như đương kim vô địch bóng đá thế giới Pháp, đương kim vô địch bóng đá châu Âu Bồ Đào Nha và ứng cử viên sáng giá Anh quốc.
Trong khi đó, Adidas – kì phùng địch thủ của Nike cũng không kém cạnh với 8 đội, bao gồm Bỉ, Đức và Tây Ban Nha.
Dù vậy, có vẻ như Nike không thực sự may mắn khi tính đến thời điểm hiện tại, có tới 8/9 đội tuyển được họ tài trợ đã phải xách vali về nước. Đại diện duy nhất còn lại là Anh – đội tuyển vừa chiến thắng đội Đức với tỷ số 2-0 trong trận đấu tối 29/6 vừa qua.
Theo sau hai ông lớn Nike và Adidas là Puma với hợp đồng tài trợ cho 4 đội tuyển, trong đó có Ý và Thụy Sĩ – đội vừa khiến nhà đương kim vô địch thế giới – tuyển Pháp phải về nước.
Các thương hiệu khác như Hummel tài trợ cho Đan Mạch, Jako tài trợ cho Bắc Macedonia và Joma tài trợ cho Ukranie.
Một thống kê cho thấy Nike và Adidas cung cấp trang phục cho 70% số đội tham gia giải đấu nhưng chiếm tới 85% giá trị hợp đồng tài trợ và các khoản doanh thu liên quan.
Ví dụ dễ hiểu nhất, một hợp đồng mà Adidas kí với đội tuyển quốc gia Đức trị giá 77,3 triệu USD/năm trong khi 3 hợp đồng mà Hummel, Jako và Joma chỉ có giá trị khoảng 4,8 triệu USD.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh số bán hàng của Nike và Adidas đã giảm trong năm 2020. Mặc dù vậy, do hoạt động chủ yếu ở châu Mỹ nên Nike có phần vượt trội hơn đối thủ, vốn chỉ tập trung vào thị trường châu Âu và châu Á.
Nike vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về doanh thu và kiếm được 36 tỷ USD – nhiều hơn đáng kể so với 23 tỷ USD của Adidas.
Thế nhưng, gần đây, Nike lại vướng vào một lùm xùm mới khi tuyên bố là thương hiệu Trung Quốc, dù thực tế vốn là tập đoàn được khai sinh và đóng trụ sở tại Mỹ. Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh cách đây vài ngày, CEO Nike là John Donahoe đã nói rằng công ty có tầm nhìn dài hạn về hoạt động tại Trung Quốc.
Điều gây sốc nhất là vị CEO này khẳng định: "Chúng tôi đang là thương hiệu thể thao lớn nhất tại đây. Chúng tôi là thương hiệu của Trung Quốc và cho người Trung Quốc. Tài sản lớn nhất mà chúng tôi có ở Trung Quốc là niềm tin của người tiêu dùng. Khách hàng cảm thấy kết nối sâu sắc và mạnh mẽ với Nike, Jordan và thương hiệu Converse tại Trung Quốc. Điều đó là thật". Đây được coi là động thái nhằm xoa dịu khách hàng tại đất nước tỷ dân của Nike sau một số lùm xùm trước đó.
Ngay lập tức, Nike đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông xã hội. Trên Twitter, hashtag BoycottNike (tẩy chay Nike) bắt đầu trở nên phổ biến. Một người dùng bình luận: "Hãy dừng mua đồ của Nike". Một người khác đồng tình: "Tạm biệt Nike, tôi sẽ không mua bất cứ sản phẩm nào của hãng này nữa. Họ kinh doanh tốt ở Trung Quốc rồi thì cần gì chúng ta nữa".
Nguồn: TA