CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco, MAS) vừa công bố kế hoạch họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 sắp tới đây. Trong đó, Công ty song song lên kế hoạch đẩy mạnh mảng chủ lực là dịch vụ hàng không (đặc biệt chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch) và tái cấu trúc, rút khỏi mảng taxi do áp lực từ đối thủ cũng như xu hướng kinh doanh mới của ngành.
Được biết, MAS trước đây là một công ty Nhà nước, trải qua gần 25 năm hình thành và phát triển. Công ty hiện khai thác chính kinh doanh dịch vụ tại các cảng Hàng không sân bay miền Trung và các đơn vị trực thuộc.
Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của Công ty gồm cung cấp suất ăn, vật dụng trên tàu bay, kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, dịch vu khai thác kỹ thuật thương mại hàng không, đào tạo dạy lái xe ô tô...
Về cơ cấu cổ đông, Vietnam Airlines đang nắm lượng lớn cổ phần với hơn 36% vốn và là cổ đông lớn nhất.
Rút khỏi mảng taxi, lên đề án thanh lý xe từ tháng 9/2020
Năm nay, với định hướng chung của Vietnam Airlines và MAS trong giai đoạn này là tập trung củng cố dịch vụ hàng không sau dịch Covid-19, chưa kể xu hướng vận tải công nghệ cùng nền kinh tế chia sẻ lên ngôi (Grab, Bee, Gojek, inDriver...) tác động mạnh đến taxi truyền thống, do đó MAS quyết định rút khỏi mảng vận tải này.
Cũng theo ban lãnh đạo, quy mô hiện nay của MAS được cho là quá nhỏ so với đối thủ và khả năng sinh lợi thấp. Do đó, MAS đã xây đề án cho mảng này từ tháng 9/2020 và được điều chỉnh đến tháng 3/2021, gồm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Cuối năm 2020 Công ty đã thanh lý dòng xe đầu tư từ năm 2012-2014 là 20 xe gồm 2 xe kiamorning, 10 xe innova;
+ Giai đoạn 2: Từ tháng 1-6/2021, MAS sẽ thực hiện theo phương án thanh lý toàn bộ xe taxi và giữ lại thương hiệu để phục hồi khi có điều kiện thuận lợi trong HĐKD taxi tại Đà Nẵng. Thời gian thực hiện ngay sau khi ĐHĐCĐ thông qua.
Năm 2021, MAS đặt kế hoạch doanh thu gần 90 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện trong 2020. Con số lỗ dự kiến ở mức 12,5 tỷ đồng. Kết thúc quý đầu năm, Công ty ghi nhận thua lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Trước áp lực dịch Covid-19, năm 2020 Công ty cũng đã thua lỗ 11 tỷ đồng. Nhằm cân đối nguồn vốn hoạt động kinh doanh bị thiếu hụt do việc đầu tư từ những năm trước Công ty không được tăng vốn, không được vay ngân hàng… MAS dự định dùng lợi nhuận còn lại năm 2019 để bù đắp khoản lỗ năm 2020.
Riêng mảng hoạt động kinh doanh taxi, MAS nhiều năm qua luôn gặp tình trạng thua lỗ do chịu cạnh tranh của các hãng taxi công nghệ. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào 27/4/2021, Xí nghiệp Vận chuyển hành khách tiếp tục phải tạm dừng hoạt động đến 11/5.
BCTN 2020 của MAS.
Theo đó, Đại hội lần này sẽ trình cổ đông quyết định tạm ngưng hoạt động kinh doanh taxi, giao HĐQT thực hiện việc bán thanh lý hoặc kinh doanh thương quyền hoặc tiếp tục kinh doanh nếu điều kiện thuận lợi.
Lên kế hoạch đón đầu sự tăng trưởng trở lại của ngành hàng không sau Covid-19
Với mảng dịch vụ hàng không, lên chiến lược 5 năm giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2035, MAS mong muốn trở thành đơn vị chuyên phục vụ các lĩnh vực liên quan đến dây chuyền vận tải hàng không tại khu vực Miền Trung, đặc biệt ưu tiên hàng đầu về mảng dịch vụ cung ứng chế biến suất ăn hàng không.
Để có nguồn lực thực hiện tham vọng, Công ty sẽ phát hành tăng vốn chủ sở hữu thêm 50 tỷ đồng lên gần 93 tỷ. Trong đó, năm 2022 tăng 20 tỷ và năm 2023 tăng 30 tỷ đồng.
Theo MAS, trong kịch bản dịch tễ kết thúc vào quý 3/2021, ngành hàng không sẽ dần tăng trưởng trở lại với tốc độ bình quân khách nội địa là 43%/năm, khách quốc tế đến 183%/năm cho giai đoạn 2021-2025. Tham chiếu theo đó, lên kế hoạch đến năm 2025, MAS sẽ đạt sản lượng 3,6 triệu hành khách, gồm 1,9 triệu hành khách nội địa và 1,6 triệu hành khách quốc tế. Tương đương, doanh thu MAS vào mức 273 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 15 tỷ.
Dự báo ngành hàng không của IATA.
Kế hoạch cho mảng dịch vụ hàng không của MAS.
Trên thị trường, cổ phiếu MAS tăng dựng đứng vài phiên trở lại đây, thanh khoản rất thấp. Hiện, MAS giao dịch tại mức 57.000 đồng/cp.