Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu chi tiết về bức tranh sản xuất điện trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, về tình hình cung cấp điện trên địa bàn, lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 là 636,3 triệu kWh, tăng 11,5% so với năm 2017. Tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 9,75%/năm, giai đoạn 2016 - 2018 đạt bình quân 7,35%/năm.
Tính đến hết tháng 9 vừa qua, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh là khoảng 1.150 MW, trong đó điện mặt trời khoảng 1.040 MW, điện gió 110 MW.
Về thực hiện đầu tư các nguồn điện, theo quy hoạch phê duyệt, tổng công suất các nguồn điện tại tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 khoảng 4.040 MW (không tính 2 dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã dừng triển khai). Nếu tính cả các dự án điện gió và điện mặt trời đang trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch là trên 5.800 MW.
Tính đến 30/6/2019, tỉnh Ninh Thuận đã vận hành thương mại 19 dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất 1.050 MW, trong đó 15 dự án điện mặt trời (công suất 971 MW) và 4 nhà máy điện gió (công suất 79,4 MW).
Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận bổ sung Trung tâm Điện lực Cà Ná công suất 6.000 MW, gồm 4 nhà máy điện khí sử dụng khí LNG nhập khẩu, vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Về thực hiện các dự án lưới điện giai đoạn từ năm 2011 đến nay: Đã hoàn thành 3 công trình lưới điện 220 kV và 5 công trình lưới điện 110 kV. Hiện tỉnh đang chuẩn bị đầu tư 3 công trình lưới điện 500 kV, 5 công trình lưới điện 220 kV và 6 công trình lưới điện 110 kV.
Để giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh danh mục các dự án lưới điện truyền tải, trong đó, có 9 dự án lưới điện 500 kV, 220 kV tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho thấy, hiện tại tỉnh có 10 dự án điện với tổng công suất 359 MW phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất (215 MW).
Ước tính đến 30/6/2019, 10 dự án này phải giảm phát khoảng 23,2 triệu kWh gây thiệt hại cho chủ đầu tư khoảng 49,5 tỷ đồng. Nếu tình hình này còn tiếp tục đến cuối năm 2019 sẽ phải giảm phát khoảng 224 triệu kWh, gây thiệt hại khoảng 479,4 tỷ đồng.
Nhằm giải quyết quá tải lưới điện truyền tải dẫn đến phải giảm phát các nguồn điện năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị phương án lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án nhà máy điện mặt trời tại khu vực Thuận Nam với quy mô công suất 450 MW kết hợp với đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải 500 kV đấu nối và truyền tải công suất các nhà máy khu vực lân cận vào hệ thống điện quốc gia. Hiện nay, các bộ, ngành đang tích cực xem xét quyết định phương án này.