Quà tặng bị lạm dụng, biến tướng ngày càng tinh vi
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó nhấn mạnh, các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng, Nhà nước đang tập trung bài trừ tệ nạn lãng phí, tham nhũng, tham ô thì chủ trương xóa bỏ chuyện tặng quà, chúc Tết lãnh đạo nhằm ngăn chặn các hình thức biến tướng, lợi dụng biếu xén để hối lộ, chạy chức, chạy quyền.... đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của người dân. Rõ ràng, không thể trong một sớm một chiều mà loại bỏ được hoàn toàn những tiêu cực trong chuyện quà cáp, nhưng phải từng bước làm giảm dần, làm lành mạnh hóa quan hệ này.
Theo ông Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ), việc biếu, tặng quà Tết từ ngàn xưa đã trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Việc tặng quà trong dịp này thường biểu lộ thành ý kính trọng, tri ân với những người thân thiết, giúp đỡ mình hoặc giữa những người có mối quan hệ trong làm ăn, buôn bán với nhau với mục đích trong sáng.
Ông Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ)
Thời gian qua, tình trạng này đã diễn ra khá nhiều nhưng việc kiểm tra, giám sát trong thực tế lại gặp không ít khó khăn bởi việc tặng quà biến tướng ngày càng tinh vi.Tuy nhiên, điều đáng lên án, phê phán đó chính là việc tặng quà đã bị lạm dụng, biến tướng ngày càng tinh vi, khó lường. Họ lợi dụng biếu xén để tranh thủ cơ hội nhằm hối lộ, nịnh bợ để được “lại quả” bằng dự án, chạy quyền, chạy chức...
Nếu như trước đây, người tặng hay đến trụ sở các cơ quan, đơn vị, nhà riêng lãnh đạo, lộ liễu với “túi to”, “túi nhỏ”, chờ xếp hàng tới lượt vào “cảm ơn”... thì hiện nay hình thức tặng quà đã trở nên kín đáo hơn. Họ không đưa “túi to”, “túi nhỏ” để dễ bị phát hiện mà có những cách tặng quà tinh vi hơn như phong bì, chuyển khoản, thẻ tín dụng, voucher du lịch hạng sang... Thay vì đưa trực tiếp cho sếp, họ chọn cách đưa cho vợ, con, hoặc người thân lãnh đạo. Vì vậy, nếu muốn tố giác, cũng khó mà có bằng chứng.
Tại Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg về "Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) và của cán bộ, công chức, viên chức", nêu rõ: các cơ quan, đơn vị chỉ được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc nguồn gốc từ NSNN để làm quà tặng trong những trường hợp mà chế độ nhà nước cho phép. Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc nhận qua các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác. Trường hợp nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải giao lại cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan để xử lý theo quy định.
Theo Thanh tra Chính phủ, sau 10 năm thực hiện Quyết định 64, số cán bộ nộp lại quà tặng theo quy định rất ít, mỗi năm chỉ khoảng 30 người, giá trị quà tặng khoảng vài trăm triệu đồng. Trong báo cáo mới đây về công tác thanh tra phòng ngừa tham nhũng năm 2018 của Thanh tra Chính phủ cho thấy, có 10 người nộp lại quà tặng tổng trị giá 145 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc biếu, tặng quà Tết hiện nay trở nên khó kiểm soát, khó phát hiện ở chỗ, người tặng quà có khi không dùng tiền ngân sách mà sử dụng các nguồn khác, hoặc bằng đủ các chiêu trò để hợp thức hóa chứng từ trở thành hợp lệ.
Ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. |
|
“Khó xác định, phân biệt được đâu là tặng quà nhằm vụ lợi, cơ hội, lợi ích nhóm để xử lý. Nếu người nhận quà không báo cáo thì khó phát hiện được” ông Phạm Văn Hòa cho biết.
Trách nhiệm nêu gương của người lãnh đạo trong việc nhận quà
Để những chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các quy định pháp luật về việc cấm tặng, biếu quà Tết lãnh đạo thực sự đi vào cuộc sống, cũng như không làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, việc tuyên truyền không tặng quà Tết lãnh đạo không chỉ làm theo mùa vụ mà phải làm thường xuyên, liên tục từ trên xuống dưới, nhằm thay đổi thói quen, suy nghĩ biến một nét đẹp thành xu hướng thương mại tiêu cực. Bên cạnh đó, cũng cần quy định mức khen thưởng cho những người tố giác, bắt quả tang hành vi tham nhũng nhận quà của quan chức trên cơ sở có căn cứ, bằng chứng rõ ràng.
Theo ông Hòa, một giải pháp được cho là hiệu quả trong việc chống tham nhũng qua biến tướng quà tặng đó là phải kiểm soát được tài sản của cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn.
“Điểm mới trong Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2019, đó là mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Trường hợp phát hiện cán bộ kê khai không trung thực thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định hiện hành. Hy vọng, cùng với việc thực hiện nghiêm quy định kê khai sẽ kiểm soát được tài sàn của cán bộ công chức, viên chức” – vị đại biểu Quốc hội cho biết.
Ngoài việc kiểm soát tài sản, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự nêu gương của người lãnh đạo thì mới có sức lan tỏa xuống cấp dưới. Cán bộ đã nêu gương thì nêu gương trên tất cả lĩnh vực chứ không chỉ ở việc biếu, nhận quà Tết. Nếu cấp trên kiên quyết không nhận quà thì dần dần cấp dưới sẽ không dám đưa.
“Việc tặng quà đơn thuần chỉ là tình cảm giữa anh em bạn bè thân thiết trong quan hệ giao tiếp với nhau là việc hết sức bình thường. Nhưng món quà mang tính chất vụ lợi, nịnh bợ bên trong thì người thủ trưởng cần phải nhận thấy rõ. Món quà đắt tiền thì mang mục đích khác chứ không phải là tình cảm bình thường được. Đã có quy định về trách nhiệm nêu gương thì lúc đó tùy nghi ở mỗi người cần có những xử lý hợp tình, hợp lý để không vi phạm quy định” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Ông Đinh Văn Minh cũng đề xuất, để quy định được triển khai nghiêm túc trong thực tiễn thì bên cạnh sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng cần phát huy vai trò giám sát của cán bộ công chức, viên chức trong chi tiêu ngân sách của cơ quan, đơn vị, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm, tránh việc làm đối phó. Cùng với đó là từng bước dẹp cơ chế xin-cho chức tước, bổng lộc, dự án thì mới dẹp được nạn biến tướng quà tặng, biếu dịp lễ Tết./.
Biếu, nhận quà Tết thế nào cho đúng?
Theo luật sư Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật TNHH Dragon – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Điều 11 và khoản 4 Điều 12 Quyết định 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tường chính phủ “Ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức” thì những trường hợp sau cán bộ công chức, viên chức không phải báo cáo với cơ quan, đơn vị: “Điều 11. Đối với quà tặng từ họ hàng, người thân trong gia đình mà những người đó không có mối quan hệ về lợi ích liên quan đến hoạt động công vụ của người được tặng quà và quà tặng từ những cơ quan, đơn vị, cá nhân không liên quan đến hoạt động công vụ của người được tặng quà thì cán bộ, công chức, viên chức được tặng quà không phải báo cáo với cơ quan, đơn vị; trong trường hợp pháp luật có yêu cầu kê khai thu nhập thì cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện kê khai theo đúng quy định.
Khoản 4 Điều 12 quy định: Ngoài trường hợp quy định tại Điều 11 Quy chế này, cán bộ, công chức khi ốm đau, tai nạn hoặc nhân dịp hiếu, hỷ, lễ , tết truyền thống được tặng quà có trị giá dưới 500.000 đồng Việt Nam mà việc tặng quà đó không liên quan đến các mục đích, hành vi quy định tại Điều 5 Quy chế này thì người được tặng quà tự quyết định mà không phải báo cáo và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình”./.