Theo kế hoạch, trọn hôm nay (28/5), Quốc hội sẽ thảo luận về báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016.
Theo đó, nhiều DNNN đã bị "bêu tên" vì vi phạm. Cụ thể, Đoàn giám sát cho biết hầu hết các doanh nghiệp qua thanh tra, kiểm toán đều có vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau.
Cụ thể việc chấp hành chế độ báo cáo của doanh nghiệp và một số đại diện chủ sở hữu chưa nghiêm, nộp báo cáo tài chính chậm so với thời gian quy định. Số doanh nghiệp có trang tin điện tử để công khai thông tin còn rất ít, còn tình trạng doanh nghiệp áp dụng chưa chuẩn xác, đầy đủ các quy định trong lĩnh vực tài chính-kế toán, đầu tư, xây dựng.
Đơn cử như một số đơn vị của Vinachem chưa ban hành quy chế quản lý công nợ, bán hàng cho khách hàng trong khi chưa thu hồi được công nợ cũ dẫn đến bị chiếm dụng vốn trong thời gian dài, bán hàng vượt bảo lãnh hoặc vượt hạn mức dư nợ.
Hay một số đơn vị của PVN ký kết hợp đồng có các điều khoản không rõ ràng, thiếu chặt chẽ dẫn đến chưa thống nhất được công nợ…
Theo báo cáo, một số Tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa chấp hành nghiêm túc, không đầy đủ và chưa kịp thời chế độ báo cáo đối với Đề án tái cơ cấu cũng như phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.
Ví dụ như TKV chưa có lộ trình thoái vốn đầu tư tại CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả, CTCP Than Mông Dương, Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chưa xây dựng đề án thành lập TCT Xây lắp xăng dầu Petrolimex và TCT Dịch vụ xăng dầu Petrolimex…
Một số DNNN thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định của Nhà nước như Vinachem, Petrolimex…
Một số DNNN sai thẩm quyền, sai đối tượng, tình trạng chỉ định thầu của các dự án đầu tư khá phổ biến, ví dụ PVN áp dụng hình thức chỉ định thầu tại Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, TCT Thuốc lá Việt Nam chỉ định thầu nhưng không tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt dự toán (Công ty TNHH Liên doanh Philip Morris và Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long), chỉ định thầu cho đơn vị thi công không đủ năng lực (Công ty Thuốc lá Thanh Hóa)…
Một số doanh nghiệp cũng bị chỉ ra là trình độ quản lý yếu kém dẫn đến vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế, huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả, một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao
Ví dụ TKV đầu tư ra nước ngoài không có hiệu quả, dẫn đến có khả năng bị thiệt hại 363,3 tỷ đồng. PVN đầu tư vào Oceanbank có giá trị đầu tư vốn 800 tỷ đồng hiện chỉ còn 0 đồng..
Một số doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tài chính vi phạm nghiêm trọng gây mất vốn hoặc thiệt hại lớn như việc đầu tư tài chính dài hạn của Vinachem vào 5 công ty (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP-Vinachem, Công ty CP DAP số 2 – Vinachem, Công ty TNHH Hóa chất và muối mỏ Việt Lào) với tổng vốn đầu tư là 6.836,75 tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng vốn đầu tư tài chính, đang tiềm ẩn nguy cơ khó thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, Một số dự án đầu tư xây dựng còn có hồ sơ, thủ tục không đầy đủ, nghiệm thu, thanh toán không đúng quy định, quyết toán chậm… nên qua kiểm toán đã kiến nghị xem xét xử lý tài chính. Ví dụ, kết quả kiểm toán năm 2014, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính các dự án của Petrolimex 243 tỷ đồng, Vietnam Airlines 48 tỷ đồng, Vicem 144 tỷ đồng, VRG 26 tỷ đồng…
Nhiều dự án chậm tiến độ như của Petrolimex (dự án Kho Vân Phong, Kho Hải Dương), Vinachem (dự án dây chuyền xi măng Hà Tiên)…phải dừng thực hiện, gây lãng phí vốn.
Một số dự án sau khi đi vào khai thác, vận hành không hiệu quả, thua lỗ lớn do công tác dự báo khi lập, phê duyệt chủ trương đầu tư có nhiều hạn chế dẫn đến việc xác định, tính toán sản lượng, giá bán sản phẩm không chính xác, giảm mạnh so với thực tế trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao... và các vi phạm trong công tác quản lý thực hiện dự án, đặc biệt là tại 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương.
Trong đó Dự án xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat số 2 thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã bị KTNN chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ do có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án.
Tại các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản cho thấy tình trạng khai thác vượt công suất đơn cử như tại Vinachem, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam sản lượng khai thác tại khai trường 7 vượt 287.467 tấn, khai trường 21 vượt 3.412.246 tấn.
Nhiều doanh nghiệp có hoạt động thăm dò, khai thác khi chưa được cấp giấy phép hoặc hết hạn khai thác; thiết kế mỏ không đúng giấy phép, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải và xả thải theo đúng quy định; kê khai thiếu thuế tài nguyên; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chưa thực hiện kê khai giá bán theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều DNNN quản lý đất chưa chặt chẽ; nhiều diện tích đất được sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với ngân sách Nhà nước.