Nhiều tháng trước, Qualcomm đã đâm đơn khiếu nại Apple vi phạm bản quyền sáng chế tại Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ trụ sở ở Washington với quyết định sơ bộ là sẽ xét có phiên xét xử đầu tiên dự tính vào tháng 9. Vụ kiện được coi là một phần của cuộc chiến tỷ đô quy mô toàn cầu giữa các hai công ty về số tiền Apple phải trả để được tiếp cận và ứng dụng công nghệ của Qualcomm trên các thiết bị di động như iPhone. Như đã biết, Qualcomm đã xin tòa ra quyết định cấm Apple nhập khẩu các thiết bị iPhone sử dụng chip modem của Intel về Mỹ và điều này, nếu trở thành sự thực, sẽ ảnh hưởng vô cùng nặng nề tới nguồn cung iPhone trong nước cũng như giá thành iPhone trên đất Hoa Kỳ. Người tiêu dùng Mỹ, do đó, không hề thích thú trước toan tính của Qualcomm và đã cố hết sức để ngăn cản điều đó xảy ra.
Qualcomm Inc. không thể lợi dụng Ủy ban Thương mại để ra đòn kết liễu với Intel Corp. như vậy với tư cách là đối thủ cạnh tranh sản xuất chip cho iPhone của Apple, một nhóm người tiêu dùng Apple cho biết trong đơn khiếu nại lên tòa án hôm Thứ 5 vừa rồi trong một vụ kiện tập thể lên Thẩm phán Lucy Koh thuộc Tòa án quận San Jose, bang California. Nhóm này cho biết họ muốn ngăn cản công ty chip di động lớn nhất thế giới thuyết phục thành công thẩm phán thông qua bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu nào áp lên iPhone sử dụng chip modem đến từ Intel của Apple.
“Một lệnh cấm nhập khẩu iPhone dùng chip Intel nếu được chấp thuận vô hình chung sẽ “đóng băng mọi nỗ lực vừa mới nảy sinh của Intel để phá bỏ thế thống trị độc quyền trái pháp luật của Qualcomm, nó sẽ làm tổn hại đến cuộc cạnh tranh lành mạnh trên một thị trường vốn dĩ đã và đang chịu nhiều thiệt hại từ hành vi cạnh tranh thiếu công bằng của Qualcomm”, nhóm đại biểu người tiêu dùng cho biết.
Nhóm đại biểu người tiêu dùng này đâm đơn kiện để "tiếp sức" cho một khiếu nại tới từ Ủy ban Thương mại Liên bang FTC - vốn đã cáo buộc Qualcomm sử dụng bằng sáng chế và thế mạnh thị trường sai mục đích để triệt hạ đối thủ, cụ thể là Apple.
iPhone sẽ chịu mức giá cao hơn rất nhiều do khan hiếm nguồn hàng nếu lệnh cấm nhập khẩu iPhone được thông qua.
Về phần mình, Qualcomm, đương nhiên, từ chối cho rằng mình sở hữu thế độc quyền và rằng mình cần được bồi thường cho hằng tỷ USD đã bỏ ra cho quá trình nghiên cứu phát triển giúp tất cả mọi thiết bị điện thoại trên thế giới hoạt động tốt hơn. Hãng còn buộc tội Apple từ chối trả phí hợp lý cho công nghệ mình sử dụng. Công ty cũng cho biết trong một đơn khiếu nại lên tòa án tiểu bang hôm thứ Tư vừa rồi rằng nhà sản xuất iPhone còn phớt lờ đi một lệnh từ tòa án ép buộc Apple phải giao nộp các thông tin cần thiết.
Thẩm phán Thương mại Thomas Pender, người vừa hoàn thành một phiên xét xử của vụ án, cho biết ông có xu hướng đồng ý với Qualcomm rằng Apple đã vi phạm bằng sáng chế của Qualcomm. Theo đó, hướng giải quyết duy nhất là ban hành lệnh cấm nhập khẩu, và đó cũng là những gì Qualcomm đòi hỏi: hãng yêu cầu một lệnh cấm được áp đặt lên tất cả các mẫu iPhone không sử dụng chip Qualcomm.
|
Với việc Apple và Samsung vừa mới gần đây quyết định ngừng gặp nhau trên tòa án sau 7 năm ròng rã tranh cãi pháp lý, các chuyên gia cho rằng ủy ban thương mại không nên bị kéo quá sâu vào những tranh chấp thương mại giữa các "ông lớn", bởi sớm muộn tranh chấp cũng được giải quyết bằng một cuộc thương thuyết tài chính.
Vụ kiện có lẽ sẽ còn kéo dài bởi Apple lẫn Qualcomm đều không hề có ý định chùn bước trước tòa án, nhưng dù có là ai thắng, thì người chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng, bởi lẽ thay vì bỏ hàng triệu USD vào kiện tụng, cả Apple lẫn Qualcomm đều có thể dùng số tiền đó cho nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới hiện đại hơn, hữu ích hơn cho người dùng. Đó là chưa kể đến vấn đề về giá cả iPhone cho người tiêu dùng sau khi tòa án quyết định cấm nhập khẩu một lượng lớn iPhone vào đất Mỹ.