Tăng 12 lần trên sàn chứng khoán Newyork trong vòng 18 tháng qua, cổ phiếu của một công ty công nghệ Singapore đang trở thành hiện tượng thú vị và gây tranh cãi với giới đầu tư trên toàn cầu.
Bất chấp việc vẫn đang thua lỗ, SEA Group là doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất Đông Nam Á, đạt khoảng 70 tỷ USD (tính đến 8/9).
Nguồn: Yahoo Finance
Thành công của SEA Group có đóng góp lớn từ hai nền tảng quan trọng Free Fire (game) và Shopee (thương mại điện tử) đang "làm mưa làm gió" tại các thị trường khác nhau, được thúc đẩy trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Từ quý IV năm ngoái, Shopee đã vượt Lazada của Alibaba để trở thành sàn thương mại điện tử số một Đông Nam Á. Theo iPrice, mảng kinh doanh này đóng góp hơn 40% doanh thu của SEA Group trong năm 2019, so với chỉ 2,3% năm 2017. Trong khi đó, tựa game Free Fire từng ghi nhận 80 triệu người chơi trong một ngày, phân bổ trên 130 thị trường.
Tại Việt Nam, cả Shopee và Free Fire đều không xa lạ với người dùng, nếu như không muốn nói là những cái tên hàng đầu phân khúc.
Trong quí II năm nay, website Shopee Việt Nam ghi nhận gần 52,5 triệu lượt truy cập, gấp hơn hai lần so với đơn vị xếp thứ hai - Thế giới Di động. Shopee cũng đứng đầu về lượt tải ứng dụng trên cả AppStore và PlayStore, xếp thứ hai về lượng tương tác trên hai nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram.
Vị trí độc tôn của Shopee tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã được chứng minh từ năm 2019 và ngày càng được củng cố so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Trước đó vào năm 2017, SEA Group thâu tóm cả Foody và Giaohangtietkiem, hai startup đình đám của Việt Nam nhằm phục vụ cho chiến dịch đánh chiếm thị phần thương mại điện tử.
Và cái giá mà Shopee phải trả cũng không hề rẻ cho "ngai vàng" này. Năm 2018, Shopee là sàn thương mại điện tử lỗ nặng nhất trong bộ tứ của Việt Nam bên cạnh Lazada, Tiki và Sendo với hơn 1.900 tỉ đồng. Năm 2019, mức lỗ của Shopee tiếp tục tăng lên 2.411 tỉ đồng trong cuộc chạy đua chưa rõ hồi kết.
SEA Group có ba cột trụ chính trong hoạt động kinh doanh gồm: giải trí kỹ thuật số (Garena), thương mại điện tử (Shopee), dịch vụ tài chính kỹ thuật số (SEAMoney). Khi Việt Nam là một trong bảy thị trường chủ lực của Tập đoàn công nghệ này, độ phủ của các thương hiệu con ngày càng lớn.
Báo cáo thường niên 2019 của SEA Group cho biết công ty đang sở hữu trực tiếp 30% CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam (Esports – hay được biết đến phổ biến với tên Garena Việt Nam), 18% CTCP Airpay và 100% Công ty TNHH Shopee (Shopee Việt Nam). Mặc dù vậy, thực tế Tập đoàn Singapore lại có toàn quyền với 100% lợi ích tại cả Esports và Airpay.
Theo quy định pháp lý của Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến không được sở hữu quá 49%. Giới hạn tương tự cũng được áp cho những công ty e-payment; ngoài ra, để được kinh doanh phải có sự chấp thuận từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Giải bài toán này, SEA Group sử dụng một cơ cấu gọi là VIE Structure. Theo đó, Tập đoàn sẽ ký kết với cổ đông của các pháp nhân kinh doanh tại Việt Nam (VIE) các điều khoản chặt chẽ, không hủy ngang.
Một trong số những điểm quan trọng nhất là việc SEA Group đảm bảo cho các VIE đủ vốn phát triển hoạt động kinh doanh. Tập đoàn ký hợp đồng cho vay hoặc bảo lãnh với từng cổ đông VIE, các khoản vay chỉ được dùng với mục đích mua thâu tóm đơn vị khác hoặc góp tăng vốn chủ sở hữu.
Ở chiều ngược lại, SEA Group nhận được toàn bộ lợi ích trong các VIE. Các thỏa thuận cho vay cũng cấm cổ đông VIE chuyển nhượng vốn cho bất kỳ bên thứ ba nào.
SEA Group sẽ phải hỗ trợ tài chính liên tục, chịu trách nhiệm nợ phải trả của các VIE này. Mặc dù không đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, nhưng vẫn tồn tại quan hệ mẹ - con giữa Tập đoàn và các VIE ở Việt Nam.
Nguồn: Bản cáo bạch Sea Group