Dù quán lụp xụp, không biển hiệu nhưng hàng chục năm qua, quán cháo giò heo ở TT Ngô Mây (huyện Phù Cát, Bình Định) không chỉ nổi tiếng khắp trong tỉnh mà nhiều du khách phương xa đã ghé thưởng thức.
Quán cháo giò nổi tiếng nhất tỉnh Bình Định ngày bán chỉ 2 tiếng
Cách trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 40km về hướng Bắc, gần 30 năm qua, quán cháo giò của bà Nguyễn Thị Bích (62 tuổi, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) là điểm đến nổi tiếng của nhiều du khách gần xa mỗi khi có dịp đến Bình Định.
Khác với không gian sang trọng như nhà hàng ở phố, quán cháo giò này là ngôi nhà cấp 4 lợp mái ngói, phía hiên trước quán được che mái tôn tạm bợ. Quán cũng chẳng bảng hiệu, song sáng nào cũng vậy, khách đông nườm nượp.
Ngoài thực khách đến ăn tại quán, nhiều người phải xếp hàng mua cháo đem về nhà. Thậm chí, có những lúc quá đông khách, bà chủ quán phải từ chối khéo để giãn bớt khách vì mình bà xoay xở không kịp.
Điều đặc biệt của quán là này cũng không "kén" chọn khách, quán bán giá rất bình dân từ 10.000 đồng đến 40.000 đồng/tô nên ai cũng tới ăn được.
"Quán phục vụ chủ yếu là người dân ở địa phương nên giá cả rất bình dân, ai ăn tô bao nhiêu tôi bán bấy nhiêu.
Có khách là công nhân lao động thu nhập ít ăn 10.000 đồng hay 15.000 đồng/tô tôi đều bán. Chỉ khách đi ô tô thì bán 40.000 đồng/tô và thêm một đĩa bánh hỏi ăn cùng. Tiền nào của nấy, song chủ yếu quán phục vụ khách bình dân chứ không riêng khách hạng sang", bà Bích chia sẻ.
Theo chủ quán, mỗi sáng quán bắt đầu mở bán từ 5h sáng đến khoảng 7h sáng là hết cháo. Hôm nào "ế" quá thì khoảng 7h30 cũng hết. Quán chỉ bán khoảng 2 tiếng đồng hồ mỗi sáng là hết bay hơn 150 tô cháo giò.
Chia sẻ về bí kíp để nấu cháo giò ngon, bà Nguyễn Thị Bích, nói: "Mỗi người có một cách nấu khác nhau, riêng tôi khi hầm chân giò không nêm nước mắm hay gia vị gì nhiều chỉ nêm một chút đường và bột ngọt để cho nước giò trong.
Đặc biệt, khi hầm giò phải có hành củ tươi xắt lát mỏng để giò thơm và không còn mùi tanh. Đơn giản vậy thôi chứ chẳng có bí quyết gì đặc biệt. Tôi làm dần dần rút kinh nghiệm và khách ăn lâu thấy ngon nên ủng hộ".
Bà Bích chia sẻ thêm, cháo giò ngon phụ thuộc vào chất lượng giò heo tươi ngon. Mỗi sáng bà thức dậy từ 2-3h sáng, đến tại lò mổ heo lớn uy tín trên địa bàn huyện để lựa từng chân giò tươi ngon nhất.
"Tôi trực tiếp đến lò mổ để lựa những chân giò ngon nhất, giò ngon thịt phải săn chắc, ít mỡ, da mỏng. Sau khi giò được mua về, làm sạch sẽ và hầm bán ngay trong buổi sáng chứ không để qua đêm thì miếng giò mới thơm ngon", bà Bích cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Bích, năm 1993 sau khi nghỉ làm kế toán ở Công ty thương nghiệp tổng hợp Phù Cát rồi về nhà mở quán cháo giò bán để mưu sinh.
"Sau bao cấp còn khổ lắm, tôi cũng có học chút về nấu ăn, rồi đi ăn cháo giò quán người ta rồi về tự mày mò nấu để bán. Ban đầu bán ít, dần dần khách ăn quen và khen ngon nên tôi bán nhiều hơn, đến nay quán đã bán được 28 năm", bà Bích nói.
Quán cháo giò của bà Bích phục vụ rất bình dân, giá bình quân từ 10.000 đồng đến 40.000 đồng/tô. |
Ngoài bán cháo giò buổi sáng sớm, qua buổi chiều bà Bích còn bán thêm cháo vịt phục vụ khách bình dân ở địa phương.
Hiện nay, ở TP Quy Nhơn (Bình Định) cũng nổi lên quán cháo giò lấy tên "Cháo giò Phù Cát" nhưng về chất lượng thì không bằng quán cháo giò không tên của bà Bích.
(Theo Dân Trí)