Theo luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), thời gian qua, hoạt động của các công ty tài chính nổi lên nhiều bất cập. Về bản chất, các công ty tài chính hoạt động như ngân hàng, đều cho vay, lấy lãi. Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát các công ty này đang rất lỏng lẻo, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Theo luật sư Thái, việc công ty tài chính thuê một đơn vị khác thu hồi nợ hoạt động như một tổ chức xã hội đen là không thể chấp nhận được. Bởi, các công ty này sẽ dùng đủ mọi cách mà công ty tài chính không được phép để thu hồi được số nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần, ném mắm tôm… “Có những hành vi chưa đến mức xử lý hình sự, nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý và danh dự của người vay. Với hàng trăm nghìn hợp đồng, trường hợp không thu được nợ, công ty tài chính đều thuê bên thứ 3 để đòi như vậy, sẽ gây nên tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng”, luật sư Thái nhận định.
Nhóm cho vay tiền với lãi suất lên đến 45%/tháng bị công an bắt giữ đầu tháng 5
Liên quan thông tin về việc Cty FE Credit thuê bên thứ 3 đi đòi nợ và dùng các hành vi khủng bố gây ra cái chết cho người vay, luật sư Thái cho rằng, cần xem xét lại hợp đồng giữa FE Credit và công ty thu hồi nợ xem có vượt quá phạm vi hay không. Nếu FE Credit không nói rõ công ty thu hồi nợ phải chấp hành các biện pháp thu hồi theo đúng quy định của pháp luật, mà chỉ nói mập mờ, khoán việc cho công ty thu hồi nợ, thì FE Credit cũng phải có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, việc để người vay bùng nợ có một phần trách nhiệm của công ty tài chính. Khi cho vay, công ty thẩm định hồ sơ không chặt chẽ, quy trình cho vay lỏng lẻo… Trong trường hợp không đòi được nợ, công ty FE Credit có thể khởi kiện ra tòa để các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Theo ông Thái, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định nghiêm cấm các tổ chức này đi thuê xã hội đen để đòi lại nợ, yêu cầu quá trình thu hồi nợ phải chặt chẽ, đúng quy trình như hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng. “Sắp tới đây, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ không còn, nhưng cần quy định rõ, tránh tình trạng biến tướng. Nếu không, từ nay đến khi luật có hiệu lực, các công ty thu hồi nợ sẽ rục rịch thanh lý hợp đồng, gây ra nhiều vụ việc tương tự”, ông nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng, các cơ quan chức năng cần thanh tra toàn diện các công ty, tổ chức tài chính về vấn đề mức phí, lãi suất... xem việc cho vay hiện nay có đúng quy định hay không. Bởi, theo phản ảnh của người dân, hiện mức cho vay của các công ty này thường cao hơn mức tối đa cho phép là 20% (lãi suất lên tới 30-40%), đồng thời giám sát chặt các hợp đồng của công ty tài chính với công ty thu hồi nợ vì hầu hết các công ty này hiện hoạt động không đúng quy định.
Tránh “mượn tay” đòi nợ thuê
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, vẫn có một số doanh nghiệp đòi nợ thuê được thành lập để hợp thức hóa cho hoạt động tín dụng đen, có hành vi vi phạm pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân.
Giữa tháng 6 vừa qua, Quốc hội thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm kinh doanh. Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2021. Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là với các giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày luật này có hiệu lực, các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Về tín dụng cho vay tiêu dùng, luật sư Bình nhận định, hiện rất nhiều người làm kinh doanh tự do, không thể chứng minh tài sản đảm bảo để vay tín chấp với ngân hàng như bảng lương, giấy tờ đứng tên đồng hồ điện, nước.
Tuy nhiên, họ cần mua hàng phục vụ nhu cầu trước mắt, có thể là xe máy để đi lại hoặc tivi, tủ lạnh, hoặc cần tiền chữa bệnh... Họ không có khả năng thanh toán trọn gói những món hàng muốn mua, cũng không đủ tài sản đáp ứng thủ tục vay của ngân hàng. Chính sự xuất hiện của các công ty tài chính được xem như là phao cứu sinh đối với họ. Dù vậy, vẫn cần quản chặt, tránh các công ty này khi không đòi được tiền của khách hàng lại mượn tay đòi nợ thuê để xử lý.