Bằng những nguyên liệu được lựa chọn cẩn thận cùng với cách thức nấu cổ truyền, những món chè của bà Thơm giữ được trọn vẹn hương vị "xưa cũ", hai năm nay vì tuổi cao nên bà truyền lại cho con trai.
Nếu như bánh trôi tàu giống như một thức quà giản dị gọi đông về ở Hà thành, thì chè đỗ đen nóng là món chè thân thuộc gắn bó bậc nhất với tuổi thơ của bao người, nên dù không có vẻ ngoài bắt mắt hay hương vị mới lạ, chè đỗ đen vẫn chẳng bao giờ bị lãng quên giữa phố thị.
Chè nóng ở Hà Nội có rất nhiều người bán, nhưng để tìm một quán chè "chuẩn vị" của Hà thành thì không có nhiều, chè bà Thơm nổi tiếng trên phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) là một trong số ít hàng vẫn giữ được cái "vị xưa cũ" đó.
Quán chè được mở bán từ 1975, bà Nguyễn Thị Thơm (nay đã 74 tuổi) là người đứng bán, còn chồng bà là người đảm nhiệm các công việc nấu chè, làm bánh trôi Nam Bộ, bánh chín tầng mây. Hai năm nay, nhiều thực khách đến ăn gọi vui là quán chè "ba thế hệ" bởi khi bà Thơm nghỉ bán, con trai bà và cháu nội vẫn lưu giữ món chè gia truyền này.
Hơn 40 năm dành hết tình yêu vào những nồi chè, hai năm nay bà Thơm truyền lại cho con trai, anh Lê Hoàng Trung, 44 tuổi (Ảnh: Hà Hiền). |
"Hai năm nay mẹ tôi yếu hơn nên không còn đứng bán hàng, bà giao lại cho tôi đảm nhiệm, những ngày khách đông, bố tôi vẫn phụ luộc bánh trôi, nấu chè", anh Trung chia sẻ.
Chè Bà Thơm được bán theo mùa, mỗi mùa lại gắn liền với một loại chè khác nhau. Mùa hè là chè đỗ xanh, đỗ đen, sen đá, mùa đông thì có chè đỗ đen, lục tào xá và bánh trôi Nam Bộ. Chỉ có ba món ấy, mà làm nức lòng bao người.
Ăn chè nóng, người ta không cần đến sự cầu kỳ. Chè đỗ đen chỉ có đỗ đen, nhưng chính cái đơn giản ấy lại là nét làm say lòng thực khách (Ảnh: Hà Hiền). |
Bát chè nhìn đơn giản nhưng khâu chế biến lại rất kỳ công. Anh Trung cho biết, đỗ đen được chọn lựa kỹ càng, ninh trong 4 tiếng, nhưng thật khéo để hạt đỗ vừa mềm bở, ngấm đường nhưng vẫn giữ nguyên hạt chứ không bị nát. Sau đó thêm bột sắn và bớt đường sao cho bát chè vừa đủ sánh mà không quá ngọt, khiến người ăn không bị ngán.
So với chè đỗ đen của mùa hè thì món chè đỗ đen nóng đặc hơn nhiều. Khi ăn sẽ múc vào những chiếc bát nhỏ, ăn cùng chè là chút nước cốt dừa béo ngậy hấp dẫn.
Nếu chè đỗ đen đã quá quen thuộc thì món chè lục tào xá của quán luôn khiến những vị khách lạ tò mò bởi tên gọi độc đáo (Ảnh: Hà Hiền). |
"Lục tàu xá" có nghĩa là đậu xanh nát nhuyễn, cái tên ấy cũng đủ nói lên nguyên liệu chính của món ăn này. Để tăng hương vị cho món chè, gia đình bà Thơm còn cho thêm củ mã thầy và hạt sen. Tất cả quyện lấy vị đậu xanh béo bùi, đường cát ngọt ngào, mã thầy giòn tạo cảm giác thích thú khi ăn.
Bên cạnh hai món chè, bánh trôi Nam Bộ của quán cũng được lòng thực khách (Ảnh: Hà Hiền). |
Từng viên bánh thon dài nhân đậu xanh dừa chìm trong nước đường gừng ấm nồng, quyến rũ (Ảnh: Hà Hiền). |
Cầm bát bánh trên tay cho dịu cái lạnh rồi cắn một miếng, cảm thấy cái rét của Hà Nội thật ngọt ngào làm sao (Ảnh: Hà Hiền). |
Anh Trung cho biết, bát bánh trôi Nam Bộ thường có hai viên giống nhau, với nhân chỉ có đậu xanh và dừa, nấu bằng đường trắng, gừng, khi ăn thêm cốt dừa và vừng lạc. Trong khi đó mỗi bát bánh trôi tàu có hai viên với hai nhân khác nhau, được nấu bằng đường mía hoặc đường thốt nốt.
Gian hàng nhỏ chỉ gần 10 mét vuông, mở cửa từ lúc 3 giờ chiều. Con trai anh Trung thỉnh thoảng phụ bố bán chè (Ảnh: Hà Hiền). |
Những ngày thời tiết lạnh như thế này ăn ngay bát chè, bánh trôi nóng sẽ giúp cơ thể ấm áp hơn rất nhiều. Chè ở đây có giá 20.000 đồng/bát.
Nhờ hương vị giản dị, mộc mạc đúng chất truyền thống, những bát chè, bánh trôi ngọt ngào do các thành viên trong gia đình bà Thơm tự tay nấu trở thành thương hiệu nổi danh Hà Thành suốt hơn 40 năm qua.
(Theo Dân Trí)