Hôm thứ Ba (26/3), một quan chức hàng đầu tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết tình trạng lãi suất trái phiếu xuống thấp ở các quốc gia khác đang gây ảnh hưởng đến lợi suất trái phiếu dài hạn ở Mỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Boston, Eric Rosengren, kỳ vọng rằng trái phiếu kho bạc sẽ bắt đầu "nhích" lên mức cao hơn.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang theo dõi sự sụt giảm của trái phiếu dài hạn sau cú lao dốc của thị trường chứng khoán hôm thứ Sáu vừa rồi, nguyên nhân đến từ tình trạng đường cong lợi suất của trái phiếu Mỹ bị đảo ngược. Việc này xảy ra khi lợi suất trái phiếu ngắn hạn vượt quá lợi suất trái phiếu dài hạn, lợi suất trái phiếu giảm khi giá của trái phiếu tăng. Từ đó gây ảnh hưởng tới lợi nhuận cho vay của các ngân hàng. Đây cũng được coi là một dấu hiệu của suy thoái kinh tế.
Ông Rosengren cho biết lợi suất trái phiếu dài hạn hiện đang giảm ở một số quốc gia. Ông đưa ra ví dụ về trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức, hiện đã gần chạm mức 0%. Kinh tế châu Âu và châu Á đồng loạt tăng trưởng chậm lại là yếu tố gây nên tình trạng sụt giảm này, ông phát biểu trong một cuộc thảo luận tại Hội nghị Đầu tư châu Á của Credit Suisse ở Hồng Kông.
Ông cho hay: "Tôi nghĩ rằng rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ không lớn như những nước còn lại, nhưng sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu cũng phần nào kéo theo đà giảm của trái phiếu Mỹ." Ông nói thêm, nếu dự báo của ông về tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 2% đến 2,5% cho cả năm 2019 là đúng, thì Mỹ sẽ bắt đầu đạt được mục tiêu lạm phát, sau đó lợi suất trái phiếu 10 năm "sẽ tăng lên một chút so với hiện tại."
Cùng quan điểm với cựu chủ tịch Fed, Janet Yellen, ông cũng đưa ra cái nhìn không quá lo ngại về tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược. Trước đó, bà Yellen chỉ ra rằng sự đảo ngược này không thể hiện cho sự suy thoái, nó có thể báo hiệu rằng Fed cần cắt giảm lãi suất.
Hôm thứ Sáu tuần trước, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng đã vượt qua trái phiếu 10 năm lần đầu tiên kể từ năm 2007. Tình trạng này đã 'khuấy đảo' cả thị trường, bởi đường cong lợi suất đảo ngược thường là chỉ báo đáng tin cậy cho thấy sự suy thoái sắp diễn ra.
Ông Rosengren cũng nói rằng tình trạng mà kinh tế Mỹ đang đối mặt khác với trước đây, khi Fed liên tục nâng lãi suất để kiểm soát sự gia tăng của các loại giá cả: "Vì vậy chúng ta không thể đấu phó với lạm phát theo cách đã gây ra nhiều sự tương quan trong quá khứ."
Tuần trước, Fed đưa ra quyết định sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản và phát tín hiệu rằng sẽ không thực hiện đợt nâng nào trong năm nay. Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cũng chỉ ra rằng họ sẽ "thận trọng" trước bất kỳ một đợt nâng nào.
Khi được hỏi rằng liệu ông có nghĩ Fed sẽ cắt giảm lãi suất hay không, Rosengren trả lời là không. Ông nói: "Những gì tôi nhận thấy là nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại một cách đáng kể, chậm hơn nhiều so với những gì chúng ta dự đoán. Có thể thấy rằng số liệu việc làm thấp hơn đáng kể so với dự kiến. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở 3,8% - đây là mức khá thấp so với các tiêu chuẩn từ trước tới nay."