Trên tờ China Business News số ra hôm qua (25/12) đăng tải 1 bài viết của ông Xu Zhong, trưởng phòng nghiên cứu tại NHTW Trung Quốc (PBOC), thu hút được nhiều sự chú ý của giới tài chính quốc tế. Tác giả lập luận một vụ phá sản giống như trường hợp thành phố Detroit của Mỹ năm 2013 sẽ có thể thuyết phục các nhà đầu tư rằng chính quyền trung ương thực sự quyết tâm xóa bỏ niềm tin về chuyện sẽ không bao giờ có chuyện 1 địa phương bị bỏ mặc đến phá sản.
Cách đây ít ngày, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ phá vỡ “ảo tưởng” rằng Bắc Kinh sẽ “ném phao cứu trợ” cho các khoản nợ bị che giấu của các chính quyền địa phương.
Những lời kêu gọi các địa phương hạn chế vay nợ phù hợp với chính sách tài chính mà Trung Quốc đề ra cho năm 2018. Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 12 cũng chỉ rõ ưu tiên hàng đầu của năm tới là “kiểm soát hiệu quả” tình trạng đòn bẩy tài chính và ngăn chặn các rủi ro lớn. Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên hồi tháng 10 cũng kêu gọi cần phải kiểm soát chặt hơn các phương tiện tài chính được các chính quyền địa phương sử dụng để “che giấu nợ”, đồng thời phải đẩy mạnh cải cách tài khóa.
Do các nhà đầu tư lo lắng về tương lai không còn nhận được sự hỗ trợ như trong quá khứ, lượng trái phiếu địa phương được phát hành trong năm 2017 ở Trung Quốc đã giảm mạnh. Theo số liệu của Bloomberg, tổng cộng lượng trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành ở cả thị trường nội địa và quốc tế đạt 1.700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 259 tỷ USD) kể từ đầu năm đến nay, giảm 23% so với mức của năm 2016.
Hồi tháng 9, Fitch Ratings cũng cảnh báo Trung Quốc sắp đối mặt với vụ vỡ nợ trái phiếu địa phương đầu tiên trong lịch sử.
Tờ China Securities Journal dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Zhu Guangyao nhận định giải quyết “những khoản nợ đang được che giấu” của các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước sẽ là chìa khóa để ngăn chặn rủi ro đe dọa hệ thống tài chính Trung Quốc.