Quận Tây Hồ được thành lập vào năm 1995 theo Nghị định số 69 - CP. Hiện tại, quận có 8 phường: Bưởi, Nhật Tân, Phú Thượng, Quảng An, Thụy Khuê, Tứ Liên, Xuân La, Yên Phụ. Quận có diện tích 24 km2, trong đó diện tích hồ Tây chiếm 5,3 km2, bên cạnh đó còn một phần diện tích mặt sông Hồng. Quận Tây Hồ được xác định là khu vực trung tâm dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hoá, là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trường Hùng.
Quận Tây Hồ có quy mô dân số là 160.495 người. Mật độ dân số lên tới 6.685 người/km², gần gấp 3 lần mật độ dân số trung bình của Hà Nội (theo tổng điều tra dân số năm 2019). Năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn quận đạt 3.946 tỷ đồng, đạt 143% kế hoạch năm. Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của quận Tây Hồ đạt gần 4000 tỷ đồng, bằng 141,59% dự toán năm. Nhiều chỉ số kinh tế của quận cũng cho thấy kết quả khả quan so với cùng kỳ năm ngoái.
Quận Tây Hồ có nhiều điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Nằm ở phía tây bắc của Thủ đô, Tây Hồ là một vùng đất cổ có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử. Trên địa bàn quận hiện có 71 di tích, trong đó có 40 di tích đã được xếp hạng. Rất nhiều di tích đã trở thành những điểm đến nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước như phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, đình Yên Phụ… Quận Tây Hồ cũng là nơi lưu giữ và phát triển nhiều làng nghề truyền thống như: Nghề đúc đồng Ngũ Xã, nghề làm giấy dó Yên Thái, nghề làm hương Yên Phụ…
Chùa Trấn Quốc, nằm trên một hòn đảo phía đông hồ Tây (quận Tây Hồ), chùa có lịch sử gần 1500 năm. Đây được coi là ngôi chùa có tuổi đời lớn nhất ở đất Thăng Long. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ phật tử, khách du lịch trong và ngoài nước.
Quận cũng có nhiều khu đô thị lớn, hiện đại như: Khu đô thị Starlake, Khu đô thị Ciputra, khu đô thị Phú Thượng, Khu đô thị Golden Westlake…
Thanh Niên là một trong những con đường đẹp nhất Thủ đô Hà Nội thuộc quận Tây Hồ, là cung đường lý tưởng cho việc đạp xe, chạy bộ. Tại đây có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí như kem hồ Tây, đạp vịt ở hồ Trúc Bạch, và một vài địa điểm ngắm - chụp ảnh hoàng hôn buông xuống hồ Tây.
Hoa đào Nhật Tân đã trở thành thương hiệu tự hào của người dân Thủ đô nói chung và quận Tây Hồ nói riêng. Hiện tại, diện tích trồng đào Nhật Tân khoảng 70 ha, trong đó có khoảng 780 hộ dân với hơn 1.200 xã viên tham gia HTX gắn bó với nghề. Đây trở thành nghề chính góp phần thay da đổi thịt, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong làng Nhật Tân. Theo thống kê, năm 2021, doanh thu bình quân từ trồng đào của cả HTX đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của các hộ đều từ vài trăm triệu trở lên.
Với bề dày truyền thống lịch sử, quận Tây Hồ có nhiều thế mạnh để phát triển thương mại, dịch vụ với một số chợ đầu mối nổi tiếng. Chợ hoa Quảng An thuộc quận Tây Hồ là chợ đầu mối hoa lớn nhất nhì Hà Nội. Tại đây luôn tấp nập người mua, kẻ bán từ nửa đêm đến rạng sáng.
Tận dụng lợi thế có diện tích gần 1/4 mặt nước, quận Tây Hồ đã triển khai nhiều hình thức dịch vụ du lịch, văn hóa thu hút đông đảo người dân và khách du lịch như khách sạn, nhà hàng nổi trên mặt hồ…
Ngày 11/05/2018, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) chính thức đi vào hoạt động đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Khu phố đi bộ thứ hai này hoạt động nhằm tạo thêm không gian vui chơi mới cho người dân Thủ đô cũng như du khách quốc tế khi đến thăm Hà Nội.
Bản đồ quận Tây Hồ.