Trong sáng 11/7, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF – thuộc Bộ KHĐT) đồng loạt đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Theo VEPR, với mức tăng trưởng đạt 6,71% của quý II, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. Tuy nhiên, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Nhật – Hàn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và các liên kết kinh tế mới…tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.
Phía VEPR cho rằng NHNN cần tiêu hành tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Tỷ lệ lạm phát bình quân quý II đang ở mức vừa phải, đạt 2,65%, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng gần đây. Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu từ quý I đến CPI có thể kéo dài tới 2 - 6 tháng.
Với những nhận định này, VEPR cho rằng trong quý III và quý IV, GDP có thể đạt lần lượt là 7,06% và 7,17%. Như vậy, cả GDP cả năm 2019 đạt 6,96%.
Phía NCIF cũng có chung nhận định về những thách thức mà Việt Nam có khả năng phải đối mặt trong bối cảnh bất ổn từ bên ngoài cũng như những yếu tố nội tại của nền kinh tế. Dù vậy, đơn vị này lưu ý đến việc kinh tế trong nước đang được hỗ trợ bởi đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư phát triển thuận lợi, những điều kiện tích cực từ các hiệp định thương mại cho xuất khẩu cũng như tăng trưởng ổn định của xu hướng tiêu dùng.
Đơn vị này cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội (6,6 – 6,8%) nhưng thấp hơn so với VEPR 0,1 điểm %.
Cụ thể, trong quý III và IV, kinh tế trong nước được dự báo tăng trưởng là 6,86% và 6,88%, GDP cả năm 2019 đạt 6,86%
Trước đó, World Bank và ADB cũng từng đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo đó, dù rất lạc quan khi đánh giá Việt Nam là nước duy trì được mức độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, hơn cả Trung Quốc nhưng ADB chỉ đưa ra mức 6,8%. Con số này sẽ giảm nhẹ trong năm 2020 0,1 điểm %, đạt 6,7%.
Còn World Bank tỏ ra thận trọng hơn với con số đưa ra là 6,6% do sức cầu bên ngoài yếu và tín dụng thắt chặt. Mặt khác, tổ chức này cũng "đánh động" rằng Việt Nam cần phải chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp những rủi ro nêu ra trở thành hiện thực, dẫn đến suy giảm sâu hơn so với dự kiến.