Ba nguồn thạo tin, trong đó có một quan chức chính phủ Mỹ, hôm 4-3 cho Reuters hay giao dịch rút tiền trên được thực hiện hôm 4-2 dưới danh nghĩa Ngân hàng Trung ương Myanmar nhưng bị Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngăn chặn.
Giới chức Mỹ sau đó đình chỉ giao dịch cho đến khi Tổng thống Joe Biden ban hành sắc lệnh hành pháp cho phép họ có thẩm quyền chặn giao dịch này vô thời hạn.
Cả FED và Bộ Tài chính Mỹ hiện chưa bình luận về thông tin trên. Quân đội Myanmar cũng chưa đưa ra bình luận nào.
Cảnh sát Myanmar được triển khai trấn áp các cuộc biểu tình. Ảnh: EPA-EFE
Quân đội Myanmar tìm cách rút 1 tỉ USD sau khi bổ nhiệm thống đốc ngân hàng trung ương mới, bắt giữ hàng loạt quan chức dân sự. Động thái này được cho là nhằm hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt quốc tế hậu đảo chính.
Công bố sắc lệnh mới mở đường cho các biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh và doanh nghiệp Myanmar, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10-2 cho biết Mỹ đã ngăn quân đội Myanmar tiếp cận tài khoản 1 tỉ USD của chính phủ Myanmar. Hai nguồn tin nói với hãng tin Reuters rằng sắc lệnh cho phép FED đóng băng tài khoản 1 tỉ USD của chính phủ Myanmar vô thời hạn.
Trong diễn biến liên quan, Mỹ hôm 4-3 đã công bố các biện pháp mới nhằm trừng phạt quân đội Myanmar vì cuộc đảo chính hôm 1-2. Theo đó, Mỹ liệt các quan chức Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và các tập đoàn có liên kết với quân đội Myanmar là MEHL và MEC vào danh sách đen thương mại.
Mỹ cũng áp đặt các hạn chế xuất khẩu lên Myanmar, đòi hỏi các nhà cung cấp Mỹ phải xin giấy phép để vận chuyển một số mặt hàng nhất định đến nước này. Bộ Thương mại Mỹ cho biết Mỹ sẽ không cho phép quân đội Myanmar tiếp tục hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều mặt hàng.
Theo cơ quan này, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục bắt những người liên quan cuộc đảo chính chịu trách nhiệm. Bộ Thương mại nói thêm rằng họ đang xem xét các hành động tiềm năng khác.
Nhóm vận động công lý cho Myanmar trước đó cho biết Bộ Nội vụ Myanmar đã mua công nghệ từ các công ty Mỹ vốn đang được sử dụng để giám sát mạng xã hội cũng như cho các mục đích sử dụng khác.
Quyết định trên là phản ứng của Mỹ trước tình trạng bạo lực ngày càng leo thang ở Myanmar. Tuy nhiên, các biện pháp này được cho là tác động hạn chế do mỗi năm Mỹ vận chuyển rất ít hàng hóa đến Myanmar và các thực thể bị trừng phạt không phải là nhà nhập khẩu lớn.
Ông William Reinsch, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, cho biết: "Khối lượng giao dịch nhỏ nên tác động sẽ không lớn".
Cảnh sát đã ngăn chặn các cuộc biểu tình bằng hơi cay và súng đạn ở một số thành phố trên khắp Myanmar. Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 54 người đã thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính. Hơn 1.700 người đã bị bắt, trong đó có 29 nhà báo.