Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua đã đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Trong 2 năm qua, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ. Riêng trong năm 2021, kim ngạch hai chiều đã lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD.
Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Mỹ có cuộc trao đổi với ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ về quan hệ thương mại Việt Nam-Mỹ trong năm 2021 và cơ hội thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
PV: Xin ông cho biết những điểm sáng trong lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong năm 2021?
Ông Bùi Huy Sơn: Năm 2021 có thể đúc kết một vài điểm sáng chính trong hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Trước hết, chúng ta nhìn thấy kết quả phát triển của hợp tác kinh tế thương mại với kim ngạch hai chiều lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD.
Đó là một thành quả hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh cũng như những đứt gẫy, xáo trộn trong chuỗi cung ứng và các hoạt động tiếp vận, không chỉ riêng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ mà trong quan hệ kinh tế thương mại nói chung.
Điểm sáng thứ hai đó là sự phối hợp hiệu quả và thành công giữa hai bên trong trao đổi chính sách, đặc biệt liên quan tới quá trình tham vấn để đạt được thỏa thuận trong quá trình tham vấn liên quan tới 2 cuộc điều tra theo Mục 301 của phía Mỹ, qua đó đạt được kết quả cuối cùng là tránh được việc Mỹ áp đặt thuế quan đối với Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để hai bên tiếp tục duy trì quan hệ đối thoại chính sách môt cách thuận lợi trong thời gian tới.
Cùng với đó là những hoạt động tích cực và linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động thương mại cũng như đầu tư, như việc kết nối lại đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư tại Mỹ để tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình một cách bền vững ở thị trường này.
PV: Có thể nói Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế bổ trợ cho nhau, vậy điều này được thể hiện cụ thể ra sao trong năm 2021, thưa ông?
Ông Bùi Huy Sơn: Năm 2021 một lần nữa khẳng định tính bổ trợ lẫn nhau rất cao giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ. Trước hết nhìn vào hoạt động xuất nhập khẩu, không chỉ tổng kim ngạch hai chiều đạt mức kỷ lục vượt 100 tỷ USD, điều đáng nói là hoạt động xuất khẩu từ cả hai chiều đều có tốc độ tăng trưởng khá.
Cụ thể là theo thống kê chính thức từ phía Việt Nam, xuất của Việt Nam sang Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng trên 24%, trong khi đó xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam cũng tăng trưởng gần 14%. Đây là một kết quả rất tích cực, thể hiện cơ hội thị trường, khả năng nắm bắt cũng như tận dụng cơ hội rất tốt giữa hai nền kinh tế.
Điểm thứ hai khi nhìn sâu hơn một chút vào cơ cấu hàng hóa có thể thấy rằng, hàng hóa xuất - nhập khẩu giữa hai bên có tính bổ trợ rất cao. Phía Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ các nhóm hàng xuất khẩu chính như linh kiện, máy móc điện tử, hàng dệt may, giày dép, nông thủy sản. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ những nhóm nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, ví dụ như bông phục vụ cho ngành dệt may, nguyên vật liệu gỗ phục vụ cho ngành xuất khẩu gỗ và nội thất hay nhiều loại nguyên vật liệu khác, dược phẩm và những nhóm hoa quả ôn đới mà chúng ta không thể sản xuất ở trong nước.
PV: Bối cảnh hiện nay với đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đặt ra cả thách thức và cơ hội cho cả Việt Nam và Mỹ, vậy hai nước cần lưu ý những điều gì để nắm bắt cơ hội và thích ứng phát triển trong tình hình mới?
Ông Bùi Huy Sơn: Đúng là trong bối cảnh hiện nay, trước thềm năm 2022 chúng ta nhìn thấy có nhiều điểm thuận lợi để phát triển kinh tế, thương mại giữa hai bên. Ví dụ như mong muốn, thiện chí hợp tác, môi trường chính sách thuận lợi giữa hai bên, cũng như tình hình phục hồi của cả hai nền kinh tế.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy những điểm không thuận và nhiều yếu tố khó lường, như tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế với giá cả tăng cao ở Mỹ. Đặc biệt là khả năng phục hồi của các nền kinh tế khác cùng tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực từ ở cả hai phía, hai kênh, trước hết là về mặt chính sách. Hai bên tiếp tục duy trì kênh đối thoại, chia sẻ thông tin, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau để có thể kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh một cách thuận lợi.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt các cơ hội, đặc biệt là cơ hội từ nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ, khi các dự báo khác nhau đều đánh giá tốc độ tăng trưởng khá cao của nền kinh tế Mỹ trong năm 2022. Từ đó, các doanh nghiệp phải theo dõi rất sát diễn biến thị trường, đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hợp pháp, lưu trữ, tổng hợp và phân tích thông tin về các chứng từ, hóa đơn đối với nguồn gốc hàng hóa, để có thể kịp thời phối hợp và cung cấp thông tin khi có các yêu cầu điều tra xác minh của các cơ quan hữu quan Mỹ.
Làm tốt các công việc này, các doanh nghiệp mới có thể chủ động, tự tin và phát triển xuất khẩu một cách bền vững. Cùng với đó, nhu cầu về quảng bá, xúc tiến thương mại trong bối cảnh hiện nay qua các kênh thương mại điện tử, tiếp cận thị trường mới là hết sức cần thiết để các doanh nghiệp có thể thâm nhập và đứng vững tại thị trường Mỹ trong thời gian tiếp theo.
PV: Xin cảm ơn ông!./.