Những kinh nghiệm và giải pháp này được đưa ra tại Hội thảo "Quản lý nợ xấu: Bài học từ quá khứ và hướng tới tương lai” đồng tổ chức ngày 12/12 bởi Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng KasikornBank (Kbank) của Thái Lan.
Tại Hội thảo, đại diện VAMC cho biết, nhìn chung, các khoản nợ xấu (NPLs) tại các ngân hàng thương mại của Việt Nam đã được kiểm soát ở mức 3% theo báo cáo (ngoại trừ các khoản nợ khó đòi đã bán cho VAMC và các khoản vay có vấn đề tại các tổ chức tín dụng). Với việc thành lập VAMC và với Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và VAMC xuống dưới 3% vào năm 2020.
Được thành lập vào năm 2013, VAMC đã và đang tích cực giải quyết vấn đề nợ xấu cũng như giảm tổng tỉ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng xuống dưới 3%.
Tính đến cuối tháng 11/2017, VAMC đã mua được 320 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và theo giá trị thị trường.
"Nhờ sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan Chính phủ và sự hợp tác từ các tổ chức tín dụng, VAMC đã đạt được mục tiêu đặt ra đồng thời khẳng định vai trò là công cụ hữu ích trong việc xử lý nợ xấu mà không sử dụng ngân sách nhà nước", ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐQT VAMC cho biết.
Đồng thời, VAMC cũng liên tục nâng cao năng lực và học hỏi từ các nước khác nhằm hỗ trợ tích cực cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế Việt Nam.
Bà Suthasinee Nimitkul, giám đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan (Bank of Thailand) cho biết, năm 2017 đánh dấu cột mốc hai thập kỷ của cuộc khủng khoảng đã tác động đến lĩnh vực tài chính tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Thái Lan, nơi mà đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, nợ xấu chiếm tới hơn 40% trên toàn hệ thống, tương đương với 75 tỷ USD.
“Vào thời điểm đó, khái niệm nợ xấu NPL chưa được thừa nhận rộng rãi trong ngành tài chính Thái Lan. Do vậy, các ngân hàng đã không được trang bị đầy đủ công cụ cần thiết để bảo vệ và chống lại thảm họa đó.
Mặt khác, cuộc khủng hoảng đã giúp chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của việc đưa ra một khuôn khổ pháp lý vững chắc để theo dõi và nhanh chóng đáp ứng với bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào", bà Suthasinee Nimitkul chia sẻ.
Ông Pattarapong Kanhasuwan, Phó Chủ tịch điều hành của KBank cho biết: "Các ngân hàng thương mại Thái Lan đã có được bài học và hiện nay chúng tôi đã áp dùng nhiều quy trình quản lý rủi ro chặt chẽ và toàn diện đối với việc cấp, thu hồi và giám sát tín dụng".
Kết quả là đa số các ngân hàng thương mại lớn ở Thái Lan hiện đang áp dụng Basel III- khuôn khổ pháp lý quốc tế được thiết kế để cải thiện quy chế, giám sát và quản lý rủi ro của ngành ngân hàng, trong một thời gian dài.
Đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý NPL và hiện trạng của thị trường giao dịch nợ Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, đã chỉ ra sự cần thiết của việc thành lập chính thức thị trường mua bán nợ, bao gồm cả mua bán nợ xấu.
Ông cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách bao gồm: Cải thiện khung pháp lý, đặc biệt là việc phát hành một nghị định của chính phủ về thị trường mua bán nợ; đa dạng hoá các phương pháp giải quyết nợ xấu (bao gồm cả chứng khoán hoá NPL); cho phép nhiều đối tượng tham gia thị trường hơn như các nhà đầu tư trong và ngoài nước, người được ủy thác (đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài), công ty định giá khoản nợ, hiệp hội các nhà đầu tư mua bán nợ; tăng cường khả năng thanh khoản cho thị trường giao dịch nợ thứ cấp; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội (bao gồm việc tăng dần vốn điều lệ của VAMC); đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng.