Liên tục vi phạm
Cuối tháng 9 vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 thuộc Cục QLTT TPHCM đồng loạt kiểm tra một số điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm đơn vị sản phẩm quần áo, túi xách, ví, trang sức xi mạ không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Đội QLTT số 4 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định. Đáng nói, đây không phải lần đầu Saigon Square bị phát hiện kinh doanh hàng giả, hàng nhái . Những lần trước đó, cơ quan chức năng TPHCM cũng kiểm tra và thu giữ lượng lớn các mặt hàng vi phạm nhưng tiểu thương vẫn tái phạm.
Theo Cục QLTT TPHCM, quận 1 là địa bàn trọng điểm, nơi tập trung các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại , điểm trung chuyển, nơi chứa trữ, bày bán, kinh doanh các loại mặt hàng đa dạng về chủng loại, giá cả…
Ngay từ đầu năm, Cục QLTT đã yêu cầu lực lượng QLTT tăng cường quản lý địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển, chứa trữ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn mác và xuất xứ Việt Nam, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm (bao gồm các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất , kinh doanh tại các chợ, cửa hàng, Saigon Square, Bến Thành, Taka Plaza, Chợ Nga quận 1…) và các tuyến đường nổi cộm như Nguyễn Trãi, Lưu Văn Lang, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cách Mạng Tháng Tám…
Đầu tháng 10, Cục QLTT TPHCM đã liên tiếp truy bắt nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa giả, nhái nhãn hiệu thông qua các kênh mạng xã hội như TikTok , Facebook.
Cụ thể, Đội QLTT số 18 phát hiện hộ kinh doanh thời trang H.T.H. (Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đang giới thiệu, chào bán hàng hóa trên TikTok nên đã phối hợp với UBND xã Bà Điểm kiểm tra, tạm giữ 41 sản phẩm thời trang hiệu Louis Vuitton có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, tổng trị giá hàng hóa hơn 23,2 triệu đồng. Cũng trên TikTok, Đội QLTT số 18 kiểm tra cửa hàng thời trang N-H (Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn) do ông N.N.P. làm chủ đang chào bán hàng hóa thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Đội QLTT số 18 tiếp tục phối hợp với Công an xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) phát hiện hộ kinh doanh loa G.H do ông Đ.B.N.C. làm chủ. Qua kiểm tra, hộ kinh doanh này đang chứa trữ và kinh doanh 82 vỏ thùng loa bằng gỗ đã sơn, phủ, thành phẩm không có nhãn hiệu; không ghi xuất xứ và không có hóa đơn, chứng từ, được quảng cáo và bán trên trang mạng xã hội Facebook với tổng trị giá hàng hóa hơn 50 triệu đồng.
Siêu lợi nhuận
Sau bài “Đất sống” của hàng giả, hàng nhái” đăng trên báo Tiền Phong ngày 14/10, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLTT TPHCM - có những chia sẻ xung quanh vấn nạn hàng giả, hàng nhái; những nỗ lực từ ngành chức năng cũng như giải pháp tăng cường kiểm tra kiểm soát nhất là trong thời điểm cuối năm.
Theo ông Huy, mới đây các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng nghi hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1, TPHCM) đã bị lực lượng QLTT TPHCM tiến hành kiểm tra, lập biên bản và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Huy cho biết, địa điểm này thường xuyên được lực lượng QLTT kiểm tra, tuy nhiên do mặt trái của nền kinh tế thị trường, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái mang lại lợi nhuận lớn, đánh đúng vào thị hiếu của người tiêu dùng với sự đa dạng mẫu mã cùng giá thành thấp nên các tiểu thương vẫn tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.
“Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT TP đã kiểm tra, xử lý 30 vụ vi phạm tại Trung tâm thương mại Saigon Square, tạm giữ 968 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 213,5 triệu đồng, đã xử phạt với số tiền hơn 223,5 triệu đồng.
Không chỉ buôn bán trực tiếp, hiện nay các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã chuyển dần hình thức sang bán hàng trên mạng. Việc kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội hay các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Với tính chất ẩn danh và khả năng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng thông qua các nền tảng như Facebook, TikTok, Zalo, Shopee, Lazada … người bán dễ dàng lập nhiều tài khoản với danh tính giả, dùng tên miền quốc tế hoặc đổi tên liên tục khi bị phát hiện, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xử lý vi phạm.
Để kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, Cục QLTT TPHCM đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch từ nay đến cuối năm. Các Đội QLTT tiếp tục triển khai kế hoạch về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, tại các ổ nhóm, tụ điểm. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm soát tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng .
Bên cạnh đó, các Đội QLTT tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất , kinh doanh hàng hóa tới các tổ chức, cá nhân, gồm: siêu thị, trung tâm thương mại , Ban quản lý chợ, hiệp hội, làng nghề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị hoạt động thương mại điện tử …
Trong 9 tháng đầu năm nay, lực lượng QLTT TPHCM đã kiểm tra, xử lý 937 vụ vi phạm về hàng giả, tạm giữ số lượng tang vật hơn 111.000 sản phẩm gồm các mặt hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồng hồ, hàng thời trang, hàng tiêu dùng với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Đồng thời, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp số tiền hơn 11,1 tỷ đồng.